Đã 3 con, nhưng cặp vợ chồng anh Sự, chị Hương vẫn khát vọng có thêm con trai để nối dõi |
(GD&TĐ) - Hiện nay, người dân Mỏ Ba chủ yếu sống bằng ngô và chăn nuôi gia súc. Nghề phụ không có. Thổ nhưỡng đất ở đây phù hợp với sự phát triển của cây chè, nhưng chưa có cơ hội và kế hoạch dài hơi cho chè phát triển. Vì địa hình là núi cao, đồi trọc, dân cư phát triển mà đất lại không đẻ thêm chút nào, nên mang tiếng là núi rừng bao la, nhưng dân Mỏ Ba vẫn thiếu đất canh tác.
Cái khó “bó” cái khôn
Việc chăn nuôi cũng phụ thuộc vào trồng trọt, vì nếu không có mưa thuận gió hòa, cây cối, lương thực không cho vụ mùa bội thu, nên không đủ cho gia súc ăn… Đó là những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở vùng đất này.
Khi chúng tôi hỏi ông Sùng, con đông thế này, lấy gì nuôi chúng? Ông Sùng trả lời, lớn lên tự khắc chúng nó biết tìm cách kiếm ăn. Hỏi: “Kiếm bằng cách nào”, thì ông lắc đầu… cười. Sinh đẻ vô tội vạ, sống theo bản năng, nhiều đứa trẻ trong gia đình đông con đã biết vào rừng lấy củi, bòn rau và cái việc ăn mèn mén đã giống như cha ông chúng, quen và thích thú.
Kinh tế ở Mỏ Ba tự cung tự cấp là chính. Đói no phụ thuộc vào thời tiết. Chưa hề có dịch vụ thương mại, kinh tế, như cửa hàng, chợ búa, quán xá... nào ở nơi này.
Với ông Sùng, ngoài 2 căn nhà, ông chia cho mỗi bà hai con bò. Hai người vợ của ông đều đi chăn bò trong rừng, tranh thủ nhặt thêm ít củi, rau dại làm thức ăn. Nhà đông con, đông cháu nhưng ông Sùng chỉ trông chờ vào vài sào ruộng và nương ngô khô héo bắp. Vì vậy trong bữa ăn của gia đình hàng ngày, cũng chỉ rau dại, cùng lắm là có lạc, đậu gửi mua từ chân núi về.
Hiếm hoi, có người xuống chợ Hích ở dưới chân núi, gần trung tâm xã Tân Long, họp theo phiên 5 ngày một lần để mua những nhu thiết yếu và thức ăn dự trữ cho gia đình hoặc mua bán gia súc.
Nhận thức được nỗi khổ và đói nghèo bám chân, không ít người đã sinh đẻ có kế hoạch để con cái được đi học đến nơi đến chốn. Trưởng thôn Vương Văn Lầu (24 tuổi), con rể ông Sùng, có 2 con, cưới nhau cách đây 6 năm, giờ có 2 mụn con đã lớn và họ quyết định không đẻ nữa.
Tuy nhiên, cũng có cặp vợ chồng, muốn có nếp có tẻ, cũng cố gắng đạt kỳ được mộng ước con trai như vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương và anh Vương Sự, mà hiện giờ cặp vợ chồng trẻ này đã có 3 bươm bướm xinh đang học tại điểm Trường Tiểu học Mỏ Ba. Hay như trường hợp chưa dừng đẻ được như trường hợp anh Hùng Văn Dình… Đây cũng chính là một nguyên nhân lớn dẫn đến đói nghèo của số dân Mỏ Ba. Tỷ lệ đói nghèo ở Mỏ Ba quá 50%.
Mỏ Ba vì xa bệnh viện và trạm xá, nên bệnh tật bình thường không nguy hiểm chết người, thì người dân tự chữa là chính. Chữa theo kinh nghiệm dân gian và theo cách riêng của mình. Hôm chúng tôi đến thăm nhà ông Sùng, có một thanh niên trong bản đang giúp gia đình ông Sùng mổ lợn để làm cỗ cưới cho con gái, bỗng nhiên đau đầu dữ dội.
Anh Dê, con trai thứ 2 của ông Dùng mang ghế ra ngoài hiên bấm huyệt, rồi dùng gai… bưởi để châm cứu cho bệnh nhân. Anh xoay đầu chàng thanh niên kia, rồi day và bấm huyệt, sau đó mò mẫm huyệt để… châm cứu.
Vừa chữa bệnh anh vừa cười vui: “Ở đây chữa theo cách này nhanh khỏi lắm ( !?!)”.
Nhà nghèo, bệnh viện xa, việc chữa những căn bệnh đơn giản như vậy, với cách chữa như trên, xem ra lại được ưa chuộng và thịnh hành.
Tuy nhiên, nếu có căn bệnh nặng mà bản thân và những người trong gia đình khó chẩn đoán và chữa trị khi nguy hiểm đến tính mạng thì mọi người mới chịu đưa đi viện. Như trường hợp gia đình ông Sùng, vợ đau bụng triền miên, tới mức không thể chịu đựng được nữa, ông mới đưa vợ xuống núi, đến bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên để “xem bị làm sao”.
Đó là lý do khi chúng tôi đến, vợ chồng ông vắng mặt trước ngày cưới của cô con gái. Tới Thái Nguyên, bệnh viện chẩn đoán vợ ông bị u xơ cổ tử cung. Nếu để muộn, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Đưa đến hôm trước, hôm sau bệnh viện yêu cầu mổ luôn. Thế là vợ hai đi chăm vợ cả tại bệnh viện, không về dự đám cưới con gái được.
Ngay việc sinh đẻ cũng vậy. Những phụ nữ Mỏ Ba sinh đẻ nhờ các bà đỡ trong xóm, trường hợp nào quá khó, họ mới chịu hạ sơn đến bệnh viện sinh đẻ đứa con thứ 9 của chị De, vợ anh Dình.
Trẻ em Mỏ Ba |
Tương lai cho những đứa trẻ vùng cao - bao giờ?
Đông con. Đất canh tác thiếu, tất cả chỉ trông nhờ vào nương rẫy, nên rủi may theo từng mùa vụ là khó tránh khỏi. Được mùa, tạm đủ ăn. Nhưng mất mùa, lại đói kém.
Những đứa trẻ đen đúa, gầy guộc ở nhà giúp cha mẹ trông em hoặc lên núi tìm rau rừng cùng cha mẹ, tìm kiếm sự may mắn ở những triền non cao. Trò chơi duy nhất của chúng là chơi chuyền, nhảy dây tại lớp và chơi cù, bắn chim. Những đứa trẻ sát đường thì hào hứng đợi nghe tiếng ô tô đi qua, rùng rùng đuổi theo.
Với chúng, bất kỳ sự di chuyển nào trên đường có gắn với động cơ, kể cả xe máy đều khiến chúng phấn khích, mặc bụi bám đầy mặt và quần áo, mặc sự nguy hiểm rình rập. Có những đứa trẻ khác thì tha thẩn đi lại trên đường, hoặc trên nương, tìm kiếm trò chơi qua việc bắt bướm hái hoa dại. Nhiều bé gái địu em giữa trưa nắng không mũ nón, sang đồi nhà bạn chơi khi bố mẹ lên nương.
Ở lớp, buổi trưa, các em bỏ cơm mang theo ra ăn. Cơm trắng chấm muối. Hãn hữu có đứa trẻ ăn cơm với muối vừng. Vậy mà nhoằng một cái, nắm cơm to hết sạch. Có đứa trẻ nhặt nhạnh cơm trên tàu lá chuối một cách cẩn thận trước khi bỏ chiếc lá đi.
Với những đứa trẻ này, que kem, chiếc bánh, cuốn truyện… là xa lạ và nỗi khát thèm của chúng.
Trên đường chúng tôi về, có bé trai lớp 7 học lớp bán trú Tân Long đã về nhà từ hôm trước, đang cầm ná bắn chim ở lưng chừng núi. Đây là thú vui chỉ có của trẻ em vùng cao. Nhìn xuống thung sâu, có bóng chim vút qua, cậu bé hối hả chạy theo. Ai dám chắc cuộc truy đuổi chú chim tội nghiệp kia, cậu bé an toàn giữa đồi núi, vực sâu?
Chu Thị Thơm