'Xóa mù' ở Mù Cang Chải

GD&TĐ - Các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) liên tục được mở trong những năm gần đây. Học viên lớp học khá đặc biệt. Họ là người mẹ, người bà vốn quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”...

Một lớp “xóa mù” ở huyện Mù Cang Chải.
Một lớp “xóa mù” ở huyện Mù Cang Chải.

Từ năm 2016 - 2021, huyện Mù Cang Chải thực hiện được hơn 60 lớp “xóa mù” chữ cho trên 1.700 học viên và 6 lớp sau biết chữ với gần 200 học viên. Học viên những lớp học này đều đặc biệt, phần lớn là người dân tộc thiểu số quanh năm “đầu tắt mặt tối” với ruộng nương và công việc gia đình.

Lớp học có thể không đồng đều về lứa tuổi, trong lớp có học viên đã lên chức ông, bà, cũng có những người còn khá trẻ. Mỗi người một nơi, một hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung một mong muốn, đó là biết chữ. Từ khi có lớp học “xóa mù”, các học viên đều trở nên bận rộn hơn, ngoài đi làm, họ còn phải học chữ, làm bài. Với họ, “xóa mù” chữ là tiến gần hơn với ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Chị Thào Thị Lu - bản Púng Luông, xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải - tâm sự: “Từ khi tham gia lớp học chữ, tôi bận rộn hơn nhiều nhưng cũng vui vì được đi học. Chỉ mong biết chữ để đọc những thông báo của xã, biết thông tin hay để chăn nuôi, trồng trọt cho tốt”.

Với mong muốn ấy, những bàn tay chai sần vì cầm cuốc, cầm dao giờ vụng về cầm bút, nắn nót viết từng chữ. Việc giao tiếp cũng chuyển dần từ bó hẹp trong phạm vi ngôn ngữ của đồng bào Mông sang giao tiếp bằng tiếng phổ thông.

Trao chứng nhận cho học viên hoàn thành khóa học.

Trao chứng nhận cho học viên hoàn thành khóa học.

“Việc vận động học viên theo học thường xuyên cũng phải đặc biệt quan tâm. Không chỉ nói suông, các thầy, cô giáo phải đến tận nhà, gặp gỡ, động viên. Vận động các em nhỏ ra lớp đã khó, vận động được phụ huynh ra lớp còn khó hơn. Tuy nhiên, với sự kiên trì, khéo léo thì nhiều chị em phụ nữ vùng cao đã chịu khó theo học”, cô Kiều Thị Hường - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Púng Luông, huyện Mù Cang Chải chia sẻ.

Sau khi tham gia các lớp học “xóa mù”, nhiều người đã biết đọc, biết viết thành thạo. Chị Hờ Thị Sông, bản Đề Chôm B, xã Púng Luông tốt nghiệp lớp xóa mù do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức từ năm 2021. Chị Sông vui vẻ, tự tin hơn không chỉ vì biết chữ, mà còn hi vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ đây, chị Sông đã có thể tính toán chi tiêu trong gia đình, tìm hiểu các kiến thức qua sách, báo.

Ông Chang A Sùng - Phó Chủ tịch UBND xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải - cho biết thêm: Tổ chức các lớp “xóa mù” chữ không chỉ giúp người dân biết chữ, mà còn hướng dẫn người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Biết chữ, người dân cũng hiểu biết hơn về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện.

Để có kết quả cao trong công tác “xóa mù” chữ, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp, nhiều lớp học xóa mù chữ tại huyện vùng cao Mù Cang Chải đã nhận được sự tài trợ của các cá nhân, tổ chức. Từ đó, chính sách hỗ trợ cho học viên cũng được triển khai để khuyến khích, động viên bà con tham gia. Điều đó thể hiện sự quan tâm, chung tay của cả xã hội trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiến tới xây dựng xã hội học tập tại Yên Bái.

Theo bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, thông qua việc thường xuyên mở các lớp “xóa mù” chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ, hiện tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 trên địa bàn huyện đạt gần 85%. Số đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn “xóa mù” chữ ngày một nâng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ