Niềm vui từ những lớp học xóa mù chữ

GD&TĐ - Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” được ngành GD tích cực triển khai đồng bộ.

Lớp học xóa mù chữ tại xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: Việt Anh
Lớp học xóa mù chữ tại xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình). Ảnh: Việt Anh

Xóa mù chữ để thoát nghèo

Từ nhiều năm nay, hình ảnh những lớp học xóa mù chữ sáng điện vào mỗi buổi tối không còn xa lạ đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phúc Lợi (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái). Quản lý và giảng dạy các lớp học này là thầy cô giáo thuộc Trường Tiểu học Phúc Lợi.

Trong quá trình học tập, học viên được trang bị những kiến thức cơ bản nhất tập trung ở hai môn Toán và Tiếng Việt trong chương trình xóa mù chữ từ lớp 1 đến lớp 3, theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, học viên còn được học lồng ghép kiến thức về khoa học kỹ thuật, cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

Chị Trương Thị Giản, dân tộc Dao tham gia lớp học xóa mù chữ ở xã Phúc Lợi, chia sẻ: Không biết chữ khiến tôi không những trở thành người lạc hậu, mà còn vô cùng xấu hổ, tự ti khi đi ra ngoài. Không đọc được bất cứ loại sách báo nào, chữ trên tivi viết gì cũng không biết. Khổ nhất là khi đi làm giấy tờ tùy thân, các loại giấy tờ quan trọng, tôi không biết ký mà phải điểm chỉ.

Khi lớp xóa mù được mở tại xã, chị Giản đăng ký học ngay. Từ khi biết đọc, biết viết, chị có thể tiếp cận được với nhiều kiến thức trong sách vở, nhất là về khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất để tự giúp gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Thầy Hoàng Quốc Doanh - giáo viên Trường Tiểu học Phúc Lợi, chủ nhiệm lớp học xóa mù chữ xã Phúc Lợi - tâm sự: Xác định, phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia lớp học, họ càng trở nên bận rộn hơn.

Do đó, để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên đã linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ học viên như học phí, sách, bút… trong suốt thời gian học.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Yên - cho biết: Mỗi năm trên địa bàn huyện luôn duy trì từ 4 - 5 lớp xóa mù chữ, thu hút đông đảo bà con dân tộc trong huyện, mang lại hiệu quả cao. Do thấy lợi ích của việc tham gia lớp học như xóa được đói, giảm được nghèo, bà con đều thích thú.

Tuy nhiên, khó khăn đối với các lớp học này là tình trạng thiếu giáo viên. Nhiều thầy cô ban ngày đã vượt số giờ dạy trên lớp, buổi tối đi dạy lớp xóa mù chữ, lại thêm cả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động học viên ra lớp. Tuy gặp nhiều vất vả nhưng các thầy cô đều cố gắng vì đã đóng góp công sức của mình trong việc nâng cao dân trí, đem lại lợi ích cho đồng bào.

Một lớp học xóa mù chữ tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Anh
Một lớp học xóa mù chữ tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Anh

Không dừng lại ở xóa mù chữ

Hai năm nay, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nhưng xã Cao Sơn (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) vẫn duy trì hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng để thực hiện các chương trình xóa mù chữ, bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu học tập của cộng đồng dân cư.

Ông Đinh Tiến Thanh, người dân ở xã Cao Sơn, cho hay: Nhờ các lớp học xóa mù chữ được tổ chức hiệu quả trong những năm qua, người dân Cao Sơn đã đọc thông viết thạo. Ngoài ra, nhờ học được kiến thức bổ ích từ Trung tâm học tập cộng đồng, người dân còn biết trồng cam, bưởi, chăn nuôi bò, gà, lợn để tăng thu nhập.

Bà Ninh Thị Lệ, học viên tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Cao Sơn nhờ tham gia các lớp học đã học được mô hình phát triển kinh tế vườn ao chuồng, vươn lên thoát nghèo. “Tôi đã học cách nuôi trâu, nuôi lợn, đào ao thả cá, phát triển chăn nuôi, trồng cây…”, bà Lệ nói.

Ông Bàn Văn Xuân - Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng xã Cao Sơn, trao đổi: Sau hơn 20 năm hoạt động, trung tâm đã tổ chức được hàng trăm lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho hàng nghìn người dân trong xã. Cùng với đó là các hoạt động thu hút đông đảo người dân như thi bằng lái xe, tư vấn sử dụng vốn vay, kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, dạy nghề thủ công, tư vấn hỗ trợ pháp lý.

Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được theo yêu cầu giúp xã hoàn thành tiêu chí số 5 và số 14 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bà con trong xã tích cực tham gia vào các lớp học tại Trung tâm học tập cộng đồng xã để xóa đói, giảm nghèo.

Nhờ hoạt động hiệu quả, Trung tâm học tập cộng đồng, huyện Đà Bắc đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hiện nay, hầu hết người dân trong huyện đều đã biết đọc, biết viết.

Trong thời gian tới, huyện Đà Bắc tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ và giáo dục sau biết chữ quy mô nhỏ, gần dân, gắn trách nhiệm của giáo viên trong việc kèm cặp học viên tham gia học tập. Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, phối hợp với Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học trong việc huy động và duy trì các lớp xóa mù chữ và lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Chúng tôi đã huy động giáo viên tiểu học đạt chuẩn tham gia dạy học xóa mù chữ. Tất cả trường học đều có người theo dõi công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trung tâm học tập cộng đồng được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho lớp xóa mù chữ, người học tiếp cận tài liệu. - Ông Quản Văn Giang (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đà Bắc)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ