Xóa mù chữ, viết lại cuộc đời cho phụ nữ Mông ở Khe Táu

GD&TĐ - Biết chữ từ các lớp học xóa mù, những phụ nữ Mông thôn Khe Táu (xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) như được “viết lại” cuộc đời…

Lớp học xóa mù chữ tại Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng , huyện Văn Yên, Yên Bái. (Ảnh: NVCC)
Lớp học xóa mù chữ tại Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng , huyện Văn Yên, Yên Bái. (Ảnh: NVCC)

Thay đổi cuộc đời nhờ con chữ

Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, ông Lương Văn Thu chia sẻ: Địa phương có 1.378 hộ, 6.495 khẩu, gồm 5 dân tộc, sinh sống tại 8 thôn, trong đó dân tộc Tày, Dao chiếm đa số. Trong số hơn 900 nhân khẩu dân tộc Mông có nhiều phụ nữ không biết chữ.

Điều này gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời khiến chị em rất thiệt thòi về mọi mặt. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ trên các bản làng bị lừa gạt, dụ dỗ, bóc lột sức lao động khi đi làm thuê trái phép, làm gia tăng tình trạng tảo hôn, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...

66480839-53c3-41c1-b0a0-6fafca76d26f.jpg
Biết chữ, cuộc sống của những người phụ nữ Mông và các học viên trở nên tốt đẹp hơn. (Ảnh: NVCC)

Từ khi những người phụ nữ Mông được đi học các lớp xóa mù chữ. Họ đã biết làm chủ số phận, làm chủ cuộc đời.

Hơn 40 tuổi, chị Sùng Thị Mang mới bắt đầu đi học cái chữ. Một phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần khác do lấy chồng sớm, cuộc sống quanh năm chỉ gắn bó với ruộng nương đã ngăn bước con đường đến trường.

Qua tuyên truyền của chính quyền và hội phụ nữ địa phương và suy nghĩ muốn biết chữ để phát triển kinh tế đã thôi thúc chị tìm đến lớp học xóa mù chữ. Ban ngày phải đi làm nương, nhưng tối về chị không vắng mặt buổi nào, trời tạnh cũng như mưa chị Mang vẫn miệt mài đến lớp.

Chị chia sẻ: "Mình lớn tuổi rồi, đi học cũng vất vả lắm, học mãi mới nhớ, nhưng mà đến lớp vui vì có nhiều chị em cũng đi học như mình mà học được chữ thì mình đọc được sách báo, mình biết được cách mọi người trồng cây, nuôi con lợn, gà để phát triển kinh tế”.

Khi biết chữ, những người phụ nữ Mông đã đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc cho con mỗi khi bị ốm, biết xem hạn dùng các loại thực phẩm, đồ dùng gia đình. Xem những thông tin hướng dẫn hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Biết chữ nên nhận thức của người dân được nâng lên, bản Khe Táu không còn hộ đói, 100% trẻ em trong độ tuổi đều đến trường, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, đồng bào Mông nơi đây không chỉ biết canh tác lúa nước mà còn thâm canh 2 vụ.

74b8b7a0-f621-4af1-9f7a-53f4765edf29.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Dung trong 1 tiết học xóa mù chữ. (Ảnh: NVCC)

Nhờ biết con chữ, người dân đã tìm hiểu các thông tin văn hóa, biết tận dụng, khai thác tiềm năng từ ruộng bậc thang để làm du lịch. Cuộc sống chưa hết khó khăn nhưng có thể nói đó là một cuộc "cách mạng” lớn về nhận thức, tư duy để đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông nơi này.

Hạnh phúc của những "người hùng” cắm bản

Năm 2023, xã Phong Dụ Thượng mở được 3 lớp với 90 học viên (độ tuổi từ 16 - 60) tham gia lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 năm 2023, trong đó nhiều chị em đã tham gia các chương trình tiểu học sau xóa mù chữ.

Để vận động phụ nữ đến trường học chữ, các thầy cô, chính quyền địa phương đã phải kiên trì thay đổi nếp nghĩ, tư duy của chị em. Từng bước xoá bỏ hủ tục lạc hậu và suy nghĩ phụ nữ chỉ có nhiệm vụ sinh con, đi làm nương, chăm sóc chồng con, sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng.

Giờ đây, không chỉ các lớp xoá mù chữ ở Khe Táu, nhiều thôn, bản ở xã Phong Dụ Thượng đã triển khai mô hình này, như các thôn Cao Sơn, Thượng Sơn, Khe Dẹt, Khe Mạng...

2de6a5c5-50bc-44aa-9f91-8d10f745fae0.jpg
Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ tặng quà cho học viên. (Ảnh: NVCC)

Là giáo viên chủ nhiệm lớp và trực tiếp giảng dạy lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 tại thôn Khe Táu xã Phong Dụ Thượng, thầy giáo nguyễn Quang Thọ giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng chia sẻ: Nhận được sự phân công tôi đã bắt tay ngay vào việc tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của học viên để có được phương pháp cũng như hình thức dạy học phù hợp nhất.

Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ kể: “Trên con đường từ trường đến lớp học xóa mù chữ Thôn Khe Táu luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có hôm trời mưa 4 -5 tiếng không ngớt, có hôm đất đá sạt lở chắn ngang đường, có hôm lội qua tràn nước lũ ướt hết người… nhưng chúng tôi vượt qua được mọi khó khăn ấy bởi có những người đang cần chúng tôi tiếp tục dạy chữ”.

“Sau một thời gian dạy học cho bà con lớp Thôn Khe Táu tôi nhận thấy phần lớn tất cả mọi người đã biết đọc thông viết thạo và biết tính toán để làm ăn. Có những học viên đã tự mở quán bán hàng để làm kinh tế. Nhìn thấy bà con biết buôn bán làm ăn tôi thấy rất vui và hạnh phúc khi đóng góp phần nào vào đó|, thầy Thọ hạnh phúc cho biết.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Phong Dụ Thượng cho biết: Năm học 2024 nhà trường đã mở 6 lớp xóa mù chữ giai đoạn 2, đặt ở 5 thôn trên địa bàn xã, thực hiện dạy vào buổi tối, từ tối thứ hai đến tối thứ sáu. Bản thân tôi được nhà trường phân công và giảng dạy lớp xóa mù chữ thôn Khe Dẹt với 30 học viên, trong lớp có học viên thuộc 2 dân tộc, đó là dân tộc Mông và dân tộc Dao.

0d358458-28b5-4902-af3c-7928349f7fa1.jpg
Dù xa con nhỏ, xa gia đình, dạy học trong điều kiện khó khăn nhưng cô giáo Nguyễn Thị Dung vẫn luôn hạnh phúc bởi học viên của mình thay đổi cuộc sống nhờ con chữ. (Ảnh: NVCC)

Gia đình tôi cách trường 80km, hai vợ chồng tôi đều là giáo viên, chồng tôi dạy ở trường khác cũng cách nhà 70km, 2 con nhỏ ở với ông bà nội. Trước, cuối tuần tôi lại được về thăm bố mẹ và hai con nhưng giờ tôi và các đồng nghiệp ở lại trường chuẩn bị bài cũng như đến thăm gia đình học viên. Tuy vậy, mỗi khi đứng trên bục giảng, trong khi các học viên bằng tuổi cha, tuổi mẹ, tuổi bác, tuổi cô... nhưng tôi vẫn được họ gọi bằng “cô giáo”, làm cho tôi cảm thấy cần phải cố gắng hơn nữa trong công việc của mình.

“Tôi rất hạnh phúc vì đã đem được con chữ đến cho bà con nhân dân, giúp cho nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, có cuộc sống ấm no hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Dung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ