Việc in ấn, phát hành SGK đang thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội
Tại phiên họp báo, một số phóng viên đã đặt câu hỏi về vấn đề độc quyền in sách giáo khoa (SGK) và tại sao lại có tỷ lệ chiết khấu sách cao?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002 - 2003. Để tổ chức biên soạn bộ SGK, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn SGK; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định SGK và tổ chức thẩm định SGK các môn học; Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục (NXB GD) Việt Nam tổ chức bàn thảo, biên tập, thiết kế - minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành SGK. Từ đó đến nay, việc in SGK do NXB GD Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lí.
Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK nên NXB GD Việt Nam không được tự quyết định giá bìa SGK. Theo quy định hiện hành thì SGK là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá SGK vẫn giữ nguyên. Việc NXB GD Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in SGK với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành SGK ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển (sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải “chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương” như được phản ánh), bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá SGK không thay đổi (theo báo cáo của NXB GD Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành SGK hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm).
Về vấn đề sử dụng sách tham khảo (STK), Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, có nhiều NXB tham gia xuất bản và phát hành STK như: NXB GD Việt Nam (có nhiều công ty trực thuộc tham gia), NXB ĐHQG Hà Nội, NXB ĐHSP Hà Nội, NXB ĐHSP TPHCM... Vì vậy, mỗi môn học có rất nhiều STK theo từng khối, lớp và cách thức tiếp thị, phát hành cũng đa dạng.
Về tỷ lệ chiết khấu SGK của NXB GD Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay: Theo báo cáo chính thức của NXB, tỷ lệ chiết khấu là từ 18 - 20%. Thực tế việc phát hành SGK thông qua hệ thống các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành SGK, NXB GD Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối; hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra NXB GD Việt Nam còn phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó NXB GD Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.
Cũng như vậy, toàn bộ các công ty sách - thiết bị trường học, các đối tác phát hành, các đại lí, cửa hàng bán lẻ... trong kênh phân phối SGK đều hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu tác động của các quy luật của thị trường. Các cấp đại lí (bán hàng) phải tự hạch toán, tự cân đối... không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trong việc phát hành SGK.
SGK cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay HS trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lí trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.
Liên quan đến vấn đề “độc quyền” in SGK của NXB GD Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, tại Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, SGK GDPT có nêu rõ việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Để chủ động triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT chủ trì tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK khác do tổ chức, cá nhân biên soạn.
|
Công khai minh bạch, tăng cường xã hội hóa trong in ấn SGK
Liên quan đến vấn đề SGK, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Quản lý SGK là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và của Bộ GD&ĐT. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo giải trình với Chính phủ về những vấn đề mà người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải có giải pháp ngay về vấn đề này, để công tác in ấn công khai minh bạch; cùng với đó là làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, lợi ích nhóm…
Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng cũng có những chỉ đạo cụ thể, liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và đề nghị Bộ GD&ĐT chuẩn bị trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, nếu như đại biểu Quốc hội quan tâm.
Báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng chỉ rõ theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành thì NXB GD Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK. Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm 5 NXB được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.
Về tỷ lệ chiết khấu SGK của NXB GD Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20 - 25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35 - 40%”.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK là khoảng 35%. Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều em HS viết trực tiếp vào SGK.
Cũng tại phiên họp Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ vấn đề độc quyền xuất bản SGK của NXB GD Việt Nam đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền. Tinh thần này đã được thể hiện trong Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT cũng như việc cấp phép thêm các nhà xuất bản như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo.
Phó Thủ tướng cũng đề cập đến thực tế không chỉ có độc quyền SGK mà còn có thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” HS, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng; cho rằng đó là những biểu hiện của tiêu cực, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ GD&ĐT có những chỉ đạo quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các vi phạm để chấn chỉnh như đã làm được đối với tình trạng “ép” HS may đồng phục trước đây.
Để quản lí việc sử dụng sách tham khảo (STK) trong các nhà trường bảo đảm chất lượng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 Quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX. Thông tư 21 quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở GDMN, GDPT và GDTX về: Yêu cầu đối với xuất bản phẩm tham khảo; lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của giáo viên, cán bộ quản lí GD các cấp trong việc lựa chọn, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo; trách nhiệm của các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra. Để tránh việc giáo viên cố tình đưa nhiều nội dung từ STK vào các bài kiểm tra để bắt ép HS mua sách. Thông tư quy định: “Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, SGK trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS, học viên trong quá trình dạy học”; “Giáo viên và cán bộ quản lí GD các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động HS, học viên hoặc cha mẹ HS, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.