5 đơn vị nhà xuất bản được quyền in ấn sách giáo khoa

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết sẽ xóa độc quyền SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện theo Nghị quyết 40 của Quốc hội về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2000; Bộ GD&ĐT được giao tổ chức thay sách giáo khoa và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa mới.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập nhóm biên soạn, các tác giả biên soạn để tổ chức biên soạn sách giáo khoa, sau đó thành lập các hội hội đồng quốc gia để thẩm định sách. Sau khi thẩm định thì chuyển sang Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để tổ chức biên tập, chỉnh sửa, thiết kế và in ấn.

Qua quá trình tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đều tổ chức in ấn và tổ chức đấu thầu in ở các khu vực. Theo đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chia ra thành 4 khu vực để tổ chức đấu thầu in ấn và cung cấp sách cho từng địa phương nhằm giảm kinh phí khi vận chuyển sách từ nhà in đến các nhà trường.

Liên quan đến vấn đề độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo tinh thần Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Nghị quyết có nêu: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định chính thức giao cho 5 đơn vị nhà xuất bản được quyền in ấn sách giáo khoa. Cho nên sắp tới việc xóa độc quyền sẽ được thực hiện.

Về tỷ lệ chiết khấu sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay: Theo báo cáo chính thức của Nhà xuất bản, tỷ lệ chiết khấu là từ 18-20%.

Trong đó việc chiết khấu chính là việc vận chuyển từ nhà in thông qua Công ty Sách và Thiết bị trường học của các địa phương, từ đó vận chuyển đến các nhà tường để các em học sinh có sách học. Bởi vậy đây là kinh phí chiết khấu để vận chuyển phát hành sách đến tận nơi cho học sinh.

Liên quan đến vấn đề sách giáo khoa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Quản lý sách giáo khoa là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và của Bộ GD&ĐT.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GD&ĐT báo cáo giải trình với Chính phủ về những vấn đề mà người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT phải có giải pháp ngay về vấn đề này, để công tác in ấn công khai minh bạch. Đồng thời làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, lợi ích nhóm.

Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng cũng chỉ đạo rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và đề nghị Bộ GD&ĐT chuẩn bị trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội nếu như đại biểu Quốc hội quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ