In SGK do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức thông qua đấu thầu rộng rãi
Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ GD&ĐT ghi rõ: Thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003.
Để tổ chức biên soạn bộ SGK, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập đội ngũ tác giả và tổ chức biên soạn SGK; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định SGK và tổ chức thẩm định SGK các môn học; Giao cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức bản thảo, biên tập, thiết kế-minh họa, đăng kí xuất bản, in và phát hành SGK.
Từ đó đến nay, việc in SGK do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn các nhà in có đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ, giá thành hợp lí.
Việc phát hành SGK được thông qua các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương và một số đối tác phát hành. Việc in và phát hành sách giáo khoa cơ bản đáp ứng đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu học tập của học sinh cả nước.
Các nhà in tham gia đấu thầu in, các đơn vị tham gia phát hành SGK phần lớn đều là các công ty cổ phần; nguồn nguyên vật liệu phục vụ in ấn sách giáo khoa (giấy, kẽm, mực in) chiếm một tỷ trọng lớn trong giá thành SGK.
Do việc in SGK thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học địa phương, các đối tác phát hành đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; tạo việc làm cho xã hội và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.
NXB Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa SGK
Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa SGK.
Theo quy định hiện hành thì SGK là mặt hàng được quản lí giá bởi Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá SGK vẫn giữ nguyên.
Việc Nhà xuất bản Việt Nam tổ chức đấu thầu để lựa chọn các công ty in, phát hành SGK thông qua các công ty cổ phần về thực chất là lựa chọn những công ty đủ mạnh, có khả năng in SGK với chất lượng tốt, giá thành hạ, phát hành SGK ở các địa phương để giảm chi phí vận chuyển (sách in ở khu vực nào cung cấp cho khu vực đó, không phải "chuyển về nhập kho, sau đó chuyển đến các công ty cổ phần sách và thiết bị tại các miền, rồi mới chuyển về các công ty phát hành sách địa phương" như được phản ánh), bảo đảm không bị lỗ hoặc lỗ ít trong bối cảnh giá nguyên vật liệu, nhân công tăng theo giá cả thị trường nhưng giá sách giáo khoa không thay đổi.
Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành SGK hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm.
Vì sao thiết kế bảng số liệu để trống trong SGK?
Khi biên soạn SGK, để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nhằm hướng dẫn học sinh tiến hành các thí nghiệm; xây dựng hệ thống bài tập đa dạng về hình thức (tự luận, trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy phù hợp với từng nội dung kiến thức, hướng dẫn học sinh tự học, đồng thời giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập khác nhau trong kiểm tra, đánh giá theo xu thế chung của các nước trên thế giới.
Để học sinh không viết vào SGK, trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGKđược lâu bền. Tuy nhiên, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.
Bộ GD&ĐT: Hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK
Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỉ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, ngày 24/9/2018, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Chỉ thị yêu cầu Giám đốc các sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tại Công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002, Công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004, Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH ngày 11/4/2013 của Bộ GD&ĐT; tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu sách giáo khoa để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 07/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.
Đồng thời yêu cầu Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để đề xuất phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập; báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản, bảo đảm SGK có chất lượng tốt, được sử dụng nhiều lần, tránh gây lãng phí.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông để ban hành và triển khai thực hiện theo lộ trình đã được Quốc hội cho phép. Bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức biên soạn sẽ bảo đảm khắc phục triệt để những hạn chế hiện nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai tổng kết đánh giá việc thí điểm chuyển Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của NXBGD Việt Nam trong tổng thể ngành xuất bản.