Nhiều thông tin liên quan đến SGK, tháng 10 sẽ ban hành chương trình khung mới

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hiểu chưa đúng về tinh thần Chỉ thị số 3798

Trước vấn đề lãng phí vì nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) chỉ dùng một lần, tình trạng bán SGK kèm nhiều sách tham khảo, ngày 24/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT về việc sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Một trong những nội dung được nêu trong Chỉ thị là yêu cầu giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục địa phương quán triệt từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền. Đồng thời, các cơ sở hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở, không viết, vẽ vào sách.

Sau khi Chỉ thị được ban hành, có ý kiến cho rằng Chỉ thị này vi phạm đến quyền sở hữu tài sản của học sinh, vì SGK do phụ huynh học sinh bỏ tiền ra mua; Chỉ thị gây khó khăn trong quá trình giảng dạy, bởi sách có rất nhiều dạng bài tập trắc nghiệm học sinh thường làm luôn vào trong sách…

Trước những dư luận này, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) - khẳng định dư luận chưa hiểu đúng về Chỉ thị 3798.

Theo đó, Chỉ thị 3798 nhằm yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh hạn chế việc viết vào sách chứ không cấm hoàn toàn. Đây không phải yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích giáo viên thực hiện phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn để học sinh không chỉ biết giữ gìn, bảo quản sách, mà còn có ý thức tốt trong việc sử dụng sách lâu dài.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, chỉ thị 3798 không chỉ hướng vào SGK mà có nội dung quan trọng là còn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng sách tham khảo trong trường học.

Cũng liên quan đến SGK, Bộ GD&ĐT nhận được dự thảo Báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hành SGK giáp dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 và đã có ý kiến tiếp thu, giải trình một số nội dung liên quan vào 25/9.

Theo báo cáo, việc in SGK thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, việc phát hành sách giáo khoa thông qua hệ thống các công ty cổ phần Sách - Thiết bị trường học địa phương, các đối tác phát hành đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia; tạo việc làm cho xã hội và đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Do tính chất đặc thù của việc xuất bản, phát hành SGK nên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không được tự quyết định giá bìa SGK. Từ năm 2011 đến nay, mặc dù giá cả thị trường có nhiều thay đổi, giá nguyên vật liệu làm sách tăng lên nhiều nhưng giá SGK vẫn giữ nguyên.

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, trong việc in ấn, phát hành SGK hiện nay lỗ khoảng 40 tỷ một năm.

Hiện nay, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông để ban hành và triển khai thực hiện theo lộ trình đã được Quốc hội cho phép. Bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tổ chức biên soạn sẽ bảo đảm khắc phục triệt để những hạn chế hiện nay.

Ban hành thông tư về chương trình khung GDPT mới trong tháng 10

Tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 29/9, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT Nguyễn Viết Lộc cho biết, đến thời điểm này Hội đồng thẩm định Quốc gia đã thẩm định xong chương trình, tháng 10/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Thông tư về chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Sau khi ban hành Thông tư, trên cơ sở đó Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tập trung biên soạn một bộ SGK trên tinh thần công khai, minh bạch.

Song song với việc này là thực hiện công tác thẩm định bộ SGK do Bộ GD&ĐT chỉ đạo, cũng như các bộ SGK do các tập thể, cá nhân tổ chức biên soạn. Thẩm định xong, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn biên soạn tài liệu giáo dục địa phương. Từ đó phê duyệt, cho phép sử dụng SGK dựa trên kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia. Thẩm định xong sẽ hướng dẫn cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng các bộ sách.

Ông Nguyễn Viết Lộc cũng cho biết, sau khi có chương trình khung chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ có sự tính toán áp dụng chương trình GDPT mới phù hợp nhất, đảm bảo chất lượng, tính khả thi khi áp dụng. Quan trọng nhất là đảm bảo được thời hạn mà Quốc hội cho phép thông qua Nghị quyết 51 đã ban hành.

Cũng thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới - cho biết: Nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới đã được chuyển sang các cơ quan của bộ để ban hành thông tư. Chắc chắn chương trình khung sẽ được ban hành trong tháng 10 năm nay.

cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (trường THCS xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và học trò. Ảnh: báo Phụ nữ Việt Nam
cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (trường THCS xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và học trò. Ảnh: báo Phụ nữ Việt Nam 

Những câu chuyện đẹp 

Dù “nóng” chuyện chương trình, SGK, nhưng tuần qua vẫn có nhiều bài báo viết về những thầy cô giáo hết mình với học sinh, với sự nghiệp giáo dục.

Báo Phụ nữ Việt Nam chia sẻ câu chuyện về cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng (trường THCS xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), suốt 16 năm qua đã vượt qua bao gian khổ để kiên trì bám trụ, chở “con đò tri thức” cho học sinh vùng cao đặc biệt khó khăn. Không chỉ kiên trì vận động học sinh đến trường, cô Hồng còn có nhiều sáng kiến để học sinh vẫn giúp được gia đình mà không cần nghỉ học.

Mỗi thứ bảy, chủ nhật, cô huy động học sinh có sức khỏe trong lớp cùng nhau đi gặt luân phiên giúp gia đình, để các ngày trong tuần, học sinh đến trường đông đủ hơn. Từ sáng kiến này, nhà trường đã nhân rộng mô hình gặt luân phiên trong học sinh. Nhờ đó, tình trạng các cháu bỏ học đi gặt, làm nương đã thuyên giảm nhiều, sĩ số lớp được duy trì tốt.

Không chỉ vậy, cô Hồng còn cưu mang, giúp đỡ những học sinh hoàn cảnh khó khăn, giúp các em tiếp tục đến trường và trưởng thành.

Cô hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện giới thiệu những cuốn sách viết về Bác Hồ cho học sinh. (Ảnh: báo Giáo dục Việt Nam)
Cô hiệu trưởng Mai Thị Bích Nguyện giới thiệu những cuốn sách viết về Bác Hồ cho học sinh. (Ảnh: báo Giáo dục Việt Nam) 

Trong vườn hoa giáo dục Thái Bình, cô giáo Mai Thị Bích Nguyện, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) là một bông hoa đẹp.

Viết về cô, báo Giáo dục Việt Nam gọi cô với tên gọi “Cô Nguyện từ điển”, bởi các sản phẩm khoa học của cô liên tiếp giành giải nhất tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 và 13. Từ sự khởi động của cô hiệu trưởng, phong trào nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến của các thầy cô trong trường hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Từ đơn vị đứng cuối khối Trung học cơ sở, Trường An Vũ đã vươn lên xếp thứ nhất huyện trong phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm. Trong các đợt hội giảng, nhà trường đã khích lệ, động viên giáo viên thi đua dạy tốt với các danh hiệu thi đua “Viên phấn vàng”, “Giờ dạy ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả nhất”, “Giờ dạy học sinh làm việc tích cực, hiệu quả nhất”.

Đặc biệt, Trường Trung học cơ sở An Vũ là đơn vị giáo dục duy nhất trong tỉnh Thái Bình đã và đang đưa vào sử dụng 2 phòng học thông minh với các thiết bị hiện đại như: ti vi thông minh, bộ phần mềm điều khiển tích hợp, bộ thu và nhận tín hiệu không dây IQClick USB Receiver, thiết bị điều khiển từ xa…

TS. Mai Xuân Dũng
TS. Mai Xuân Dũng 

Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ câu chuyện về thầy giáo trẻ theo đuổi giấc mơ đưa KHKT về quê nghèo - đó là TS. Mai Xuân Dũng (Trường ĐHSP Hà Nội).

Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Dũng đã hướng dẫn sinh viên đạt giải 4 sinh viên nghiên cứu khoa học toàn Quốc; hướng dẫn học sinh được giải 3 Quốc gia học sinh nghiên cứu khoa học và công nghệ 2018. Là chủ nhiệm của hai đề tài Khoa học & Công nghệ lớn về nghiên cứu cơ bản và triển khai ứng dụng chấm lượng tử trong công nghệ pin mặt trời và tầm soát ung thư sớm. TS. Dũng đã có 15 công bố Quốc tế, trong đó có nhiều công bố quan trọng trên các tạp chí khoa học hàng đầu.

Tuần qua, Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được công bố xin ý kiến góp ý rộng rãi. Dự thảo đã đề xuất các mức phạt hành chính với số tiền cao nhất đối với cá nhân lên tới 50 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.