Giúp sinh viên yên tâm học tại trường
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - cho biết: “Nhà trường có nhiều biện pháp hỗ trợ SV nghèo có việc làm ngay trong trường qua hệ thống trợ lý giảng dạy (TA – teacheing assistant) và hàng loạt các cửa hàng do SV tự quản như rửa xe, thay nhớt, sửa xe gắn máy, cà phê, sửa vá áo quần, sửa chữa máy tính”.
Chỉ tính riêng hệ thống trợ lý giảng dạy TA, trong năm học 2015 – 2016, nhà trường đã chi gần 1 tỷ đồng. Theo đánh giá của PGS.TS Đỗ Văn Dũng thì “Hệ thống TA không những giúp giảm tải cho giảng viên, đáp ứng việc thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá mà còn giúp SV thêm thu nhập, được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng với vai trò là trợ ký giảng dạy, đồng thời giảm các nguy cơ tiềm ẩn khi các em phải kiếm việc làm thêm bên ngoài".
Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cũng tạo điều kiện cho những SV có nhu cầu làm thêm có thể đăng ký làm việc bán thời gian tại các dự án phục vụ như photocopy, căng tin, sân bóng… tại trường.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng - cho biết: “Ngoài tạo công ăn việc làm cho SV để các em có thêm sự lựa chọn trong việc làm thêm, giúp SV có thêm thu nhập, trang trải chi phí trong quá trình học tập, SV còn có cơ hội thực hành những bài giảng, từ khai thác thị trường, thái độ phục vụ, xa hơn nữa là chiến lược kinh doanh, kỹ năng điều hành, tổ chức, quản lý ngay trong quá trình học. Kỹ năng mềm của SV cũng được hình thành từ những cọ xát thực tế như thế này”.
Trung tâm giới thiệu việc làm của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mỗi năm giới thiệu cho hơn 1.000 lượt SV tham gia làm việc bán thời gian tại các cơ sở kinh tế và hộ dân.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng thì “Đây vừa là cách giúp SV hình thành kỹ năng sống, áp dụng một phần kiến thứ đã học vào thực tế, tập khởi nghiệp, kiếm thêm thu nhập và giúp xã hội giải quyết việc thiếu nhân lực trong thời gian cao điểm”.
Nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động SV giúp SV trong học tập, rèn luyện và tham gia vào các dịch vụ phục vụ như dịch vụ sửa đồ, sửa máy tính, rửa xe thay nhớt, giúp các phòng ban tin học hóa, làm web, tư vấn qua mạng, trợ giảng online… qua đó giúp SV hình thành được tác phong làm việc, nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc sau này.
Mới đây nhất, trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã kết nối với công ty Keyhinge Toys Việt Nam tại Khu công nghiệp Hòa Khánh ký hợp đồng làm việc bán thời gian để giải quyết việc làm cho những SV có nhu cầu làm thêm ngoài giờ học.
Anh Bùi Trung Hiệp – Phó phòng Công tác HSSV - cho biết: “Mỗi ca, công ty có nhu cầu tiếp nhận khoảng từ 100 - 250 SV của nhà trường, SV sẽ được hưởng quyền lợi như công nhân đang làm việc tại công ty như có xe đưa đón, có ăn ca.
Nếu một SV mỗi tuần chỉ cần làm 4 ca thì đã có thể tự lo được phần lớn chi phí ăn ở, sinh hoạt của các em trong tháng. Điều này giúp cho những SV có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn giảm bớt phần nào gánh nặng kinh tế để yên tâm học tập”.
Đào tạo có địa chỉ
Đại diện trường ĐH Đông Á và Framgia Việt Nam ký kết hợp đồng đào tạo và chuyển giao. |
Hướng đến cái đích cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực vững lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) đã mở rộng mạng lưới hơn 500 doanh nghiệp liên kết để tất cả SV đều được thụ hưởng 3 học kỳ thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp để khắc phục các nhược điểm của SV khi rời ghế nhà trường, nhất là tình trạng thiếu vắng kỹ năng nghề nghiệp và phong cách chuyên nghiệp.
Những ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng theo “đơn đặt hàng” của DN đang đem lại những cơ hội phát triển chuyên môn nghề nghiệp rõ rệt cho SV.
Mới đây nhất, khoa CNTT tiếp tục nhận “đặt hàng” từ Framgia Việt Nam bằng ký kết tiếp nhận chuyển giao và vận hành chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao CNTT.
Ngoài những chuyến kiến tập, thực tập định kỳ, Framgia Việt Nam còn ưu tiên dành nhiều vị trí việc làm đến cho SV ưu tú tham gia chương trình này.
Trong năm 2016, Trường ĐH Đông Á đã ký kết hơn 20 thỏa thuận hợp tác quốc tế, trong đó hơn một nửa là với các đối tác Nhật Bản đã đem đến cơ hội thực tập nghề nghiệp hưởng lương tại Nhật cho hàng trăm SV ĐH Đông Á.
Điều dưỡng, CNTT, Du lịch,… là những ngành luôn được “đặt hàng” với nhu cầu lớn về nhân sự từ Tập đoàn Route-Inn như tuyển chọn 200 SV nhiều ngành nghề mỗi năm, Học viện giáo dục Nanakamado cam kết sẽ tăng dần số lượng từ 100-200SV thực tập Điều dưỡng hưởng lương tại Nhật, Tổ chức Japan of Asia tiếp nhận 30 SV ngành CNTT thực tập sinh mỗi năm, Tổ chức phi lợi nhuận NPO và Tổ chức Koseikai tiếp nhận 40-50 SV Điều dưỡng thực tập sinh, Cty Ido nhận từ 10 - 30SV ngành Công nghệ thực phẩm – sinh hóa sang thực tập tại Nhật với mức lương khoảng 30 triệu đồng/tháng…
Các trường ĐH, CĐ đang rất chú trọng trong việc hỗ trợ cho SV những kỹ năng ứng dụng vào đời sống thực tế như tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp…
Cùng với việc trang bị những kỹ năng cứng là những kiến thức chuyên ngành mà SV đã chọn, các trường ĐH, CĐ, TCCN đang có những nỗ lực để SV tự tin hơn trước các nhà tuyển dụng.