Xin phép… cũng phải học!

GD&TĐ - Việc xin phép là một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần dạy con không kém gì với việc biết “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng lúc.

Cả trẻ và cha mẹ đều nên học cách xin phép để thể hiện sự tôn trọng nhau. Ảnh minh họa.
Cả trẻ và cha mẹ đều nên học cách xin phép để thể hiện sự tôn trọng nhau. Ảnh minh họa.

Một người lịch sự luôn nhận được cái nhìn thiện cảm, sự trân trọng của mọi người. Vì vậy, trẻ em cần được dạy về phép lịch sự và những hành vi đẹp khi giao tiếp với người khác, trong đó có kỹ năng biết xin phép.

Hình thành kỹ năng

Người Việt vẫn có câu “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Vì vậy mà những lời nói tưởng chừng đơn giản như “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi” lại có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giao tiếp hàng ngày.

Khi muốn nhờ vả người khác điều gì đó hoặc cần được cho phép, trẻ cần phải biết cách nói “Vui lòng”, khi đã được giúp đỡ xong thì câu “Cảm ơn” là tuyệt đối không thể quên. Và đặc biệt, lúc trẻ làm sai thì câu “Xin lỗi” rất quan trọng. Như vậy, việc xin phép là một trong những kỹ năng mà cha mẹ cần dạy con không kém gì với việc biết “cảm ơn” và “xin lỗi” đúng lúc.

Sáng cuối tuần, đang ở nhà cùng con thì chị Lê Ngọc Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được tin nhắn của mẹ bạn học cùng lớp con trai mình hỏi xem con trai chị có “cầm nhầm” chiếc xe ô tô đồ chơi của bạn về nhà không.

Chạy vào phòng con trai, chị phát hiện con đang chơi chiếc ô tô của bạn. Hỏi mãi bé mới chịu nhận: “Con thích xe này, con mở ba lô bạn ra lấy bỏ vào ba lô con đem về”. Bé cũng hồn nhiên nói mẹ là chỉ mượn chơi thôi rồi sẽ trả lại bạn. Chị Mai phải giải thích với con lấy đồ của người khác khi chưa được sự đồng ý như vậy là không đúng và nhắc nhở con lần sau không được làm như thế nữa. Chị cũng phải chở con sang nhà bạn để con trả lại xe và xin lỗi bạn.

Nhiều trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học vẫn chưa ý thức được sự nghiêm trọng của việc lấy đồ của người khác mà không xin phép.

Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, những trường hợp trẻ hồn nhiên lấy đồ đạc của bạn không phải hiếm, bởi trẻ con tò mò, chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Không ít ông bố bà mẹ phải lắc đầu ngao ngán khi con hôm thì “cầm nhầm” cây bút của bạn, hôm cục gôm, cái sticker, lúc lại là cây bút màu, đồ gọt bút…

Nhiều người xuề xòa bỏ qua không hỏi han vì cho rằng trẻ còn vô tư. Thế nhưng, nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời, trẻ dễ hình thành thói quen thích lấy đồ, “cầm nhầm” của người khác khi chưa được sự đồng ý. Tính xấu cũng dễ hình thành từ đó.

Cũng vì không theo sát và đánh giá mức độ nghiêm trọng của việc bé thường lấy đồ của bạn trên lớp về nên chị Bích Liên có con đang học lớp 4 hết sức bất ngờ khi phát hiện bé lấy trộm tiền của mình.

Chị Liên cho biết, trước đây thường thấy bé mang về lúc cục gôm khi cái kẹp tóc... nói bạn cho nên không để ý. Mãi gần đây, cô giáo chủ nhiệm có gọi trao đổi riêng về việc bé lén lấy tiền ăn vặt của một bạn trong lớp, chị mới sững sờ. Lén quan sát bé, chị Liên còn phát hiện bé thường xuyên lấy trộm tiền của bà ngoại khi thì 5.000 đồng, lúc lại 10.000 đồng. Không kìm được tức giận, chị đã đánh bé với hy vọng bé sợ, từ bỏ thói xấu này.

Theo các nhà tâm lý học, những bé lớn hơn tuổi mẫu giáo có thể biết rằng muốn mang một thứ gì đó ở cửa hàng về nhà phải trả tiền nhưng vẫn mắc sai lầm, đơn giản vì bé không biết tự kiểm soát.

Một số bé ở bậc tiểu học biết là không được phép khi trộm đồ nhưng vẫn trộm vì bắt chước bạn bè. Lý do khác thuộc về tâm lý khá phức tạp để giải thích như bé trộm đồ vì tức giận hoặc vì muốn gây chú ý. Hành vi này ở bé phản ánh sự căng thẳng bé đang phải chịu đựng ở nhà, ở lớp hoặc mối quan hệ bạn bè.

Do vậy, việc rèn luyện cho trẻ biết xin phép trước khi sử dụng đồ sẽ giúp con có ý thức hơn trong khuôn khổ cái gì “được phép”, cái gì “không được phép”.

xin phep cung can phai hoc (3).jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Người lớn cũng cần “xin phép”

Nói về việc dạy trẻ xin phép, cô Lê Thị Vui (cựu giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) chia sẻ, xung quanh nhà tôi có rất nhiều trẻ đang tuổi học tiểu học, vì thế mà bên cạnh tiếng cười đùa tôi còn được nghe rất nhiều tiếng khóc lóc của con lẫn tiếng la mắng của cha mẹ.

Những câu la mắng tôi thường nghe được là “tại sao con đi chơi mà không hỏi cha mẹ để cha mẹ phải đi tìm”, “tại sao con làm việc này mà không cho cả nhà biết”, “tại sao con không xin phép”...

Bọn trẻ sau một hồi lâu nghe cha mẹ la mắng lẫn giải thích thì mới lí nhí xin lỗi. Rồi đâu lại vào đấy, vì theo thói quen, chúng lại phạm lỗi để cứ cách vài hôm tôi lại thấy roi đòn một lần. Trong khi trẻ có thể dễ dàng nói câu “xin lỗi” khi làm sai nhưng thường rất khó để nói câu “xin phép” trước khi hành động.

Thật ra thì trong tâm lý của trẻ con cũng như người lớn, thường rất lo ngại việc phải xin phép. Nếu là xin phép theo thủ tục thì rườm rà, nhiều rắc rối. Nếu là xin phép cha mẹ, người thân thì sợ không cho. Dần dần hình thành một thói quen nên khi ra đường thì nghĩ việc xin phép là không cần thiết. Dĩ nhiên, để xin phép trở thành một thói quen thì cho phép cũng là một điều mà mỗi người cần mở rộng lòng hơn trong cuộc sống.

Liên quan đến việc cần dạy trẻ hình thành thói quen và kỹ năng xin phép, cô Nguyễn Phương Nhung (giáo viên Trường THCS Hoà Lâm, Hà Nội) cho rằng, người lớn cũng nên làm gương trong việc xin phép trẻ làm gì đó nếu thuộc thẩm quyền của con.

Cô Nhung lấy ví dụ, cha mẹ có thể xin phép con cái trước khi thể hiện những cử chỉ âu yếm, thân mật với trẻ. Thông thường, mong muốn được ôm hôn con cái là lẽ tự nhiên nhất của cha mẹ. Những cử chỉ âu yếm này được xem là cách biểu hiện tình cảm của cha mẹ dành cho con cái.

Cô Nhung cho biết, từng đọc được trên mạng xã hội về câu chuyện có nội dung của một bà mẹ viết: “Tôi có biết một cô bé không thích được ôm hôn hoặc bế, trong khi cha mẹ của cô bé thì ngược lại. Đứa con 6 tuổi của tôi thường cố thoát khỏi vòng tay của những người lạ, ngoảnh mặt đi khi được yêu cầu ôm ai đó. Chính vì thế, tôi đã tập cho mình cách xin phép con gái mình: Mẹ có thể ôm con một cái không? Nếu con bé từ chối, tôi sẽ không làm”.

Nhiều cha mẹ đã tham gia thảo luận vào chủ đề này và họ nhận thấy có vấn đề trong việc xin phép trẻ trước khi thể hiện sự quan tâm của mình thông qua những cái ôm hay nụ hôn.

Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho rằng, điều quan trọng nhất là làm cho một đứa trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn. Ngay cả khi điều này có thể khiến người lớn cảm thấy thiếu thốn khi không được ôm hôn trẻ con.

Theo cô Nhung: “Trẻ em ngay cả khi còn nhỏ vẫn đang học về sự đồng ý. Vì thế, cha mẹ và người lớn tuổi nên xin phép bọn trẻ trước khi thể hiện tình cảm. Nếu trẻ không thoải mái, tốt nhất nên dừng lại. Nếu áp dụng điều này, cha mẹ sẽ dạy cho trẻ về sự tự tin. Trẻ đang học về ranh giới giữa các cá nhân, yêu cầu được cha mẹ tôn trọng và chấp nhận dưới bất kỳ hình thức nói “không” nào”.

Cùng nội dung này, chị Lê Thị Phương Thảo (Hoài Đức, Hà Nội) cho hay: “Tôi có 2 đứa con. Trong khi con gái tôi không ngại với việc được ôm hôn vào má, con trai tôi lại tỏ ra không ổn nếu có ai khác ngoài bố hoặc mẹ hôn hoặc âu yếm mình. Tôi tin chắc rằng, việc xin phép một đứa trẻ là cách tốt nhất để bắt đầu bất kỳ một tương tác nào. Điều này sẽ làm cho trẻ cảm thấy chúng được an toàn và thoải mái.

xin phep cung can phai hoc (1).jpg
Ảnh minh họa: ITN.

Trẻ sợ bị từ chối nếu xin phép

Nhiều bạn trẻ chia sẻ rằng không muốn sử dụng quá nhiều lần xin phép vì hầu hết biết trước câu trả lời của bố mẹ là “không đồng ý”.

Có bạn trẻ từng chia sẻ trên trang cá nhân: “Mình được mời đến một bữa tiệc vào cuối tuần này. Mình xin cha mẹ cho phép mình đi, nhưng câu trả lời nhất định là không. Mình không mấy ngạc nhiên, vì lần trước cha mẹ cũng trả lời như vậy”.

Một bạn trẻ khác viết: “Cha mình đặt ra rất nhiều giới hạn khi mình có điện thoại mới, mình chỉ được tải về ứng dụng nào, được phép nói chuyện với ai và được nói chuyện đến giờ nào. Trong khi bạn bè mình có thể làm bất cứ điều gì họ muốn!”.

Thế nhưng, bạn trẻ khác nhận định: “Mình từng không vâng theo những quy định mà cha đặt ra về việc dùng điện thoại. Mình cố tìm cách để nhắn tin cho bạn bè vào rất trễ hoặc tải những ứng dụng mà cha không cho phép. Cuối cùng khi cha phát hiện, cha càng đặt ra nhiều quy định hơn vì không thể tin tưởng mình. Không vâng lời chưa bao giờ là ý hay”.

Theo cô Nguyễn Phương Nhung, thông thường, nếu trẻ cảm thấy như thể lúc nào cha mẹ cũng không cho phép mình làm điều gì đó, sẽ cho rằng họ không muốn bạn vui chơi chút nào. Vậy người trẻ nên làm sao để được cha mẹ cho phép?

“Hét lên chẳng làm được gì, chỉ khiến con và cha mẹ mệt mỏi. Nếu con cãi lại, cha mẹ sẽ xem là con chưa trưởng thành và không đáng có thêm sự tự do. Thay vì thế, hãy thử tránh phản ứng ngay lập tức. Hãy nhìn sự việc theo góc nhìn của cha mẹ. Phải chăng vấn đề là cha mẹ không tin tưởng mình, hay có thể là họ chỉ không tin tưởng những người mà bạn muốn chơi chung hoặc môi trường mà bạn muốn đến? Hãy bình tĩnh thảo luận với cha mẹ để biết suy nghĩ của họ”, cô Nhung khuyên các bạn trẻ.

Cũng theo cô giáo này, khi đã biết suy nghĩ của người lớn, hãy nói chuyện với cha mẹ đảm bảo là có giải pháp chính đáng cho những mối lo lắng của họ. Ngay cả nếu cha mẹ vẫn không cho phép, họ sẽ hiểu suy nghĩ của bạn, và có thể bạn cũng sẽ hiểu được suy nghĩ của họ.

“Cha mẹ thường có ý tốt khi đặt ra mỗi quy định. Cha mẹ không cố tình cấm mình vui chơi; họ chỉ muốn mình vui chơi mà không gặp vấn đề”, cô Nhung đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ khi bị từ chối lời đề nghị, xin phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ