"Xin hãy bầu Hillary Clinton" - Đồng minh châu Á nài nỉ Mỹ
82% và 3%
Nếu người Hàn Quốc có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng sau, bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng áp đảo. Đây là nhận định của Elaine Ramirez, cây viết của Diplomat (Nhật Bản).
Khảo sát trên 44.000 người trưởng thành ở 45 quốc gia từ tháng 8 tới tháng 9, công ty nghiên cứu thị trường chuyên thực hiện khảo sát đa quốc gia WIN/Gallup International phát hiện: Khoảng 82% người Hàn Quốc sẽ chọn Clinton làm Tổng thống tiếp theo của Mỹ, trong khi đối thủ Donald Trump chỉ có 3% ủng hộ.
Còn lại 15% người tham gia khảo sát không có câu trả lời.
Nếu xếp hạng, Hàn Quốc sẽ đứng thứ 3 sau Phần Lan và Bồ Đào Nha về mức độ ủng hộ Hillary Clinton. Cựu Đệ nhất Phu nhân, và cũng là cựu Ngoại trưởng Mỹ được ủng hộ rộng rãi ở nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát của WIN/Gallup, chỉ có người Nga không chọn bà Clinton và người Trung Quốc đang "bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước".
Như vậy, Hàn Quốc là nước châu Á ủng hộ Clinton mạnh mẽ nhất. Thực ra kết quả khảo sát hoàn toàn hợp logic. Clinton đóng một vai trò không nhỏ trong nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa Washington và Seoul.
Ở cương vị Ngoại trưởng, bà Clinton là một trong những người tiên phong thúc đẩy chính sách "xoay trục châu Á" của Mỹ. Và Hàn Quốc là một trong những chặng dừng chân đầu tiên của Clinton khi bà bắt đầu nhậm chức.
Bà Clinton đã cố gắng đẩy mạnh hợp tác nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao với Seoul, đồng minh chủ chốt của Mỹ trong khu vực khi mà nước này phải đương đầu với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và một Triều Tiên khó đoán định.
"Bà ấy tượng trưng cho sự liên tục và tín nhiệm mà nước Mỹ cam kết với Hàn Quốc trong vai trò đồng minh. Trong khi đó, Donald Trump lại tỏ ra mơ hồ về quan hệ với vùng Baltic, Nhật Bản và Hàn Quốc", chuyên gia khoa học chính trị Robert Kelly thuộc Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) cho hay.
Văn hóa châu Á vốn xem trọng sự ổn định và nguyên trạng hơn là những "nước đi khó đoán", ông Kelly cho biết thêm.
Đối đầu với Clinton, một chính trị gia lâu năm là Trump, một doanh nhân khó đoán tôn sùng chủ nghĩa biệt lập.
Trump đã khiến người Hàn vừa sợ hãi vừa tức giận khi chê bai Thỏa thuận Thương mại Tự do Mỹ - Hàn là "thảm họa" và đề nghị Seoul gánh thêm một phần chi phí cho sự hiện diện của 28.500 binh lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc đang đóng góp 50% vào hoạt động này.
Nỗ lực không được công nhận?
Tuần trước, Hàn Quốc đã chấp thuận yêu cầu, cho phép Washington đưa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tới Seongju, Đông Nam thủ đô Seoul để bảo vệ binh lính và căn cứ của Mỹ tại đây.
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Với quyết định này, Seoul đã phải trả giá bằng mối quan hệ với Trung Quốc và sự ủng hộ của cư dân Seongju - giáo sư Khoa học Chính trị Đại học Hàn Quốc Choi Lyong nhấn mạnh.
Ông Choi cho rằng Donald Trump sẽ không công nhận những nỗ lực và sự hi sinh phi vật chất của chính phủ Hàn Quốc.
"Sự thiếu nhạy cảm ngoại giao của Trump sẽ khiến người dân Hàn Quốc, kể cả những người bảo thủ nhất, tổn thương. Họ cho rằng Trump sẽ yêu cầu Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn nữa", ông Choi nói,
"Rõ ràng, Trump đang phớt lờ ảnh hưởng chính trị và chiến lược, cùng sự đóng góp của Nhật Bản, Hàn Quốc vào chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương".
Mặc dù khi còn là Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược xoay trục chính trị, nhưng môi trường hoạch định chính sách của Mỹ đang có xu hướng tập trung vào các vấn đề nội địa. Chỉ 16% người tham gia khảo sát khắp thế giới hi vọng Tổng thống kế tiếp đặt nước Mỹ lên trên lợi ích toàn cầu, nhưng tỷ lệ người Mỹ ủng hộ lập trường này lên đến 61%.
Ông Robert Kelly cho rằng mắt xích yếu nhất trong chiến lược ngoại giao của Mỹ là dư luận, vốn đang quan tâm tới vấn đề nhập cư của châu Mỹ Latin và an ninh Trung Đông. Nếu đắc cử, bà Clinton sẽ phải xử lý những vấn đề khó nhằn ở Iraq và Syria, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
"Bà ấy sẽ ủng hộ chính sách xoay trục, bà ấy sẽ nói những điều đúng đắn... nhưng bà ấy sẽ không tận tụy như ông Obama", Kelly nói.