Gần 2 năm rưỡi trước đây, một trong những Giám đốc phụ trách mảng Android của Google, ông Hugo Barra, đã bỏ hãng phần mềm nổi tiếng thế giới Google để gia nhập một doanh nghiệp mà khi đó còn chưa được biết đến rộng rãi – Xiaomi. Giờ đây Hugo Barra là Phó Giám đốc của Xiaomi toàn cầu.
Được thành lập tháng 4/2010, Xiaomi là một doanh nghiệp công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ngoài danh hiệu nhà sản xuất smartphone lớn thứ 4 thế giới năm 2016, Xiaomi còn được biết đến với các sản phẩm ứng dụng di động và quản lý nhà thông minh.
Từ khoảng 2,4 nghìn nhân viên năm 2013, giờ đây họ đã có tổng cộng hơn 8.000 nhân viên hoạt động ở cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Doanh nghiệp đã đạt doanh thu 12 tỷ USD năm 2014.
Tuy nhiên, điều khiến người ta nhớ về Xiaomi lại không phải ở sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng, mà nằm ở các sản phẩm công nghệ rẻ đến không tưởng.
Ví dụ, chiếc điện thoại 2 sim Xiaomi Mi 4i có giá chỉ 200 USD nhưng được trang bị màn hình độ phân giải 1.080 x 1.920 pixel, 16GB và 2GB RAM, camera chính 13 megapixel, hỗ trợ kết nối USB và có pin khủng 3.120 mAh.
CEO của Xiaomi, Lei Jun, người được mệnh danh là người giàu thứ 23 Trung Quốc, khẳng định: “Chúng tôi không phải là một công ty rẻ tiền sản xuất ra các chiếc điện thoại rẻ tiền. Chúng tôi sẽ trở thành một công ty hàng đầu trên thế giới”.
Vậy Xiaomi đã làm như thế nào?
Khác với các doanh nghiệp như Apple và Samsung, Xiaomi có những chiến thuật đặc biệt khiến họ có thể bán một chiếc điện thoại ngang bằng mức giá nguyên vật liệu, mà không ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng.
Cụ thể, thay vì bán một sản phẩm trong 6 tháng như Samsung, Xiaomi bán một sản phẩm trong 18 tháng. Thời gian dài như vậy giúp Xiaomi hưởng lợi tối đa từ việc giảm giá nguyên vật liệu, đồng thời giúp hãng bán các linh kiện đi kèm như pin, sạc, sản phẩm nhà thông minh, ứng dụng di động, phần mềm...
Xiaomi không có ngân sách dành cho marketing, không có đội bán hàng như Apple mà họ dựa vào quảng cáo miễn phí trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube và chính các khách hàng của mình để tăng cường danh tiếng. Và thay vì mở các cửa hàng truyền thống, Xiaomi bán 100% các sản phẩm của mình qua mạng.
Về mặt cung ứng hàng hóa, không giống như những doanh nghiệp điện thoại cung ứng một lượng hàng quá lớn cho các nhà bán lẻ, Xiaomi luôn kiểm soát chặt đầu ra để đảm bảo cung không vượt quá cầu.
Hãng cũng tập trung vào việc phát hành các dịch vụ di động như hệ điều hành Dubbed MIUI, với những tính năng đồng bộ, bảo mật thông tin và sao lưu dữ liệu.
Để xây dựng niềm tin từ phía khách hàng, Xiaomi luôn lắng nghe phản hồi từ họ, thử nghiệm một cách cẩn thận các tính năng mới và xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên và hỗ trợ viên trực tuyến rất lớn.
Tuy nhiên, mọi chuyện không phải lúc nào cũng màu hồng. Một trong những vấn đề mà hãng gặp phải, đặc biệt tại Trung Quốc, là bị làm nhái sản phẩm, trong bối cảnh thế giới buôn bán ngầm đang nhìn thấy được sự thành công quá vượt trội của Xiaomi.
Trang The Verge nhận xét, Xiaomi vẫn chưa phát triển được các mối quan hệ lâu dài với những nhà mạng lớn tại Mỹ và Canada. Còn tại Hong Kong và Đài Loan, các nhà mạng được hậu thuẫn bởi những doanh nghiệp lớn của phương Tây nên dường như được người tiêu dùng ưa chuộng hơn các nhà mạng nội địa.
Xiaomi cũng đã nhận được làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng sau khi bị cho rằng hãng đang bắt chước cách làm của Apple, từ cách tổ chức sự kiện, cách ăn mặc của CEO đến thiết kế sản phẩm.
Tháng 10/2014, sau khi Xiaomi công bố sẽ thành lập máy chủ bên ngoài Trung Quốc, Liên đoàn Hàng không Ấn Độ đã cảnh báo những chiếc điện thoại do Xiaomi sản xuất là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Còn sang tháng 12/2014, các sản phẩm của Xiaomi đã bị cấm bán tại Ấn Độ sau khi Sony Ericsson tố cáo Xiaomi vi phạm bằng sáng chế của mình. Lệnh cấm này sau đó đã được dỡ bỏ.