Xét xử Trương Châu Hữu Danh: Tài liệu vụ án Hồ Duy Hải có người gửi đến tận nhà

GD&TĐ - Trương Châu Hữu Danh và 4 bị cáo cùng bị xét xử về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Người Lao Động.
Các bị cáo tại phiên toà xét xử. Ảnh: Người Lao Động.

Ngày 26/10, TAND huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, ngụ tỉnh Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, ngụ TP. Đà Nẵng), Lê Thế Thắng (39 tuổi,, ngụ TP. Hà Nội), Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi) và Đoàn Kiên Giang (36 tuổi, cùng ngụ TP. Hồ Chí Minh).

Các bị cáo cùng bị xét xử về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cáo trạng, từ năm 2019, Danh cùng với 4 bị cáo nêu trên tạo Fanpage “Báo Sạch”, Group “Làm Báo Sạch” và kênh Youtube “BS Channel”. Trong đó, Bảo, Danh giữ vai trò quản trị viên; Nhã, Giang, Thắng giữ vai trò biên tập viên và có sự thống nhất khi đăng các bài viết.

Các trang này viết, đăng tải nhiều bài, video về các chủ đề được dư luận quan tâm lên mạng xã hội Facebook. Theo nội dung cáo trạng, quá trình hoạt động, các bị cáo còn nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp thu lợi hơn 2,8 tỉ đồng.

Trong đó, bị cáo Danh hưởng 300 triệu đồng, Bảo 410 triệu đồng, Nhã 245 triệu đồng, Giang 250 triệu đồng, Thắng 260 triệu đồng. Ngoài ra Bảo còn giữ riêng 500 triệu đồng từ hợp đồng làm truyền thông cho một tập đoàn nhưng chưa chia cho thành viên trong nhóm.

Bên cạnh đó, quá trình điều tra công an còn phát hiện nhiều văn bản đóng dấu Mật, Tối Mật. Theo công an trong việc này có dấu hiệu tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, tội chiếm đoạt mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước. Do tính chất phức tạp của vụ việc nên Cơ quan điều tra tách vụ việc này ra để tiếp tục xác minh, làm rõ nếu có căn cứ thì tiến hành khởi tố, điều tra xử lý trong một vụ án khác.

Trong phần xét hỏi, Danh thừa nhận đã viết 36 bài viết liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thới Lai đăng trên trang Facebook cá nhân nhưng sau đó bị cáo thấy nhiều bình luận trái chiều, không phù hợp nên đã chủ động xóa 4 bài viết.

Cụ thể, Danh nói, quen biết Nguyễn Hoàng Trung Kiên (ngụ huyện Thới Lai) qua mạng xã hội. Danh khai, khi đó Kiên nói đất của gia đình anh ta bị thu hồi, nhưng giá đền bù rất thấp nên bức xúc. Từ đây, Hữu Danh đến Thới Lai viết bài.

Cũng tại phần xét hỏi, bị cáo Danh trình bày, bản thân viết khoảng 200 bài về vụ án Hồ Duy Hải. Những bài viết này chủ yếu là đăng trên Facebook cá nhân. Hữu Danh không thừa nhận viết bài về vụ án Hồ Duy Hải với mục đích “đánh vào nền tư pháp”.

“Bị cáo là một trong những người đến hiện trường vụ án Hồ Duy Hải sớm nhất. Nhà bị cáo cách hiện trường vụ án khoảng 10km. Giai đoạn đầu, bị cáo đưa tin theo cơ quan điều tra. Nhưng bị cáo cũng thu thập thêm nhiều thông tin, nguồn tin khác nhau. Bị cáo theo đuổi vụ án này đến nay đã 13 năm.

Bản thân bị cáo vẫn luôn luôn tin tưởng vào nền tư pháp nên mới phản biện vấn đề về vụ án Hồ Duy Hải. Bị cáo thấy có những vụ việc cần phải được làm sáng tỏa. Không chỉ bị cáo, trong vụ án này đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều… Bị cáo không hề có tư tưởng viết bài về Hồ Duy Hải là để “đánh” vào nền tư pháp ”, báo VietnamNet dẫn trả lời của bị cáo Danh tại phiên toà.

Trả lời HĐXX về các tài liệu trong vụ án Hồ Duy Hải có đóng “dấu mật”, bị cáo Danh trả lời do có nhiều người gửi tài liệu đến nhà bị cáo. Bị cáo Danh nói rằng không biết ai là người gửi, nguồn tin bị giấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.