Xét xử đại án Việt Á: 'Hoa hồng' mở lối hanh thông

GD&TĐ - Theo Phó Tổng Giám đốc Việt Á, để phục vụ cho quá trình chi 'hoa hồng' của Phan Quốc Việt, bị cáo luôn mang sẵn 50.000 USD đến 300.000 USD.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Quá trình hoạt động nghiên cứu sản xuất, đưa kit test Covid-19 ra thị trường, Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và thuộc cấp dùng “hoa hồng” là đô la Mỹ để giải quyết công việc.

Chi “hoa hồng” đến 40%

Sáng 5/1, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục với phần Viện Kiểm sát (VKS) hỏi các bị cáo trong đại án Việt Á. Phan Quốc Việt - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á là bị cáo đầu tiên được gọi lên để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.

Bị cáo Việt trả lời mạch lạc từng câu hỏi của VKS về việc sắp xếp nhân sự phụ trách các vùng miền, việc chi % hợp đồng được thực hiện thế nào? Cụ thể, bị cáo Phan Quốc Việt cho hay: Do tình hình dịch phức tạp bản thân thường xuyên di chuyển nên việc điều hành được thực hiện chủ yếu qua các nhóm chát (CMS) trên mạng xã hội. Trong đó, các cá nhân trong công ty được phân công phụ trách từng vùng miền cụ thể.

Bị cáo Việt lấy ví dụ, Vũ Đình Hiệp trợ lý phụ trách miền Bắc, Nguyễn Thị Thắm phụ trách miền Trung, Lê Trung Nguyên phụ trách khu vực phía Nam. Theo bị cáo, cá nhân phụ trách sẽ được chiết khấu từ 5 - 20% hợp đồng tuỳ vào công sức chống dịch và hợp đồng đã thực hiện được. Trong khi đó, “hoa hồng” cho các địa phương sẽ từ 15 - 40%, tất cả các khoản chi trước khi chuyển cho địa phương đều thông qua Việt duyệt.

Trả lời câu hỏi của VKS về việc chi % được thoả thuận trước với các địa phương hay không? Bị cáo Việt cho biết, không có thoả thuận trước. Cũng theo bị cáo, sau khi hoàn tất hợp đồng thì Công ty Việt Á tự mang đến cảm ơn. Tuy nhiên, VKS cho rằng, có đủ cơ sở để chứng minh nhiều vụ việc có sự thoả thuận trước, như tại CDC Hải Dương.

Trước đó, tại phiên xét hỏi chiều 3/1, bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN) phủ nhận cáo buộc nhận 50.000 USD của Công ty Việt Á và khẳng định chỉ nhận 100 triệu đồng. Khi được hỏi đối chất thì Phan Quốc Việt và Phó Giám đốc Vũ Đình Hiệp đều cho biết không nhớ rõ.

Tuy nhiên, khi được VKS hỏi lại (sáng 5/1), bị cáo Phan Quốc Việt cho biết, đã nhớ là gửi 50.000 USD và số tiền này được Việt rút tại ngân hàng ở Đà Nẵng rồi đổi sang USD.

Trong khi ấy, bị cáo Phan Công Tạc vẫn khai chỉ nhận 100 triệu đồng và giữ nguyên lời khai này từ giai đoạn điều tra đến nay (ngày 5/1). Bị cáo Tạc cũng khai khi đó, bị cáo Việt nhắn tin muốn đến thăm.

Khi VKS đặt tiếp câu hỏi mối quan hệ với bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế), tại sao Phan Quốc Việt không trực tiếp với Nguyễn Thanh Long mà chỉ thông qua trợ lý Nguyễn Huỳnh? Bị cáo Việt cho biết, có quen biết với bị cáo Long và Huỳnh trong lần đi dự sự kiện dự án bệnh viện tại TPHCM hồi năm 2017.

Hai bên sau đó có sự thỏa thuận, giải quyết công việc gì cứ thông qua Nguyễn Huỳnh. Bị cáo Việt thừa nhận chỉ có một lần duy nhất lên Bộ Y tế gặp bị cáo Nguyễn Thanh Long, đi cùng một đơn vị khác nói về vấn đề vắc-xin và có để lại túi quà có 50.000 USD. Về toàn bộ hành vi trong vụ án, bị cáo Việt thừa nhận sai phạm.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng KH&CN khai báo về quá trình nhận 200.000 USD của Phan Quốc Việt. Bị cáo cho hay, khi được Việt tặng túi quà, nghĩ bên trong túi chỉ là sản phẩm nên để trong phòng nghỉ. Một tháng sau chuyển công tác về UBND TP Hà Nội, mở ra mới thấy bên trong có tiền và nhận định việc nhận tiền của doanh nghiệp là sai. Bị cáo đã cho 200.000 USD vào vali chuyên dùng đi công tác.

Theo bị cáo Chu Ngọc Anh, định mang chiếc vali này về UBND TP Hà Nội, nhưng do chưa sửa xong phòng làm việc nên mang về nhà, để ở gara ô tô với dự định bao giờ đi công tác sẽ mang theo, trả cho Phan Quốc Việt.

Với câu hỏi của VKS tại sao không lấy đúng 200.000 USD đó ra giao nộp cơ quan điều tra mà lại quy đổi rồi nộp tiền Việt Nam? bị cáo Chu Ngọc Anh khai, khi bị cáo lên đường đi chịu trách nhiệm hình sự, có nhờ người nhà tìm chiếc vali để nộp, nhưng không thấy.

Phó Tổng Giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp được dẫn giải tới tòa.

Phó Tổng Giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp được dẫn giải tới tòa.

Mang sẵn hàng trăm nghìn USD để chi

Tương tự như bị cáo Phan Quốc Việt, khai báo tại tòa, Phó Tổng Giám đốc Việt Á, Vũ Đình Hiệp thừa nhận những sai phạm trong quá trình đấu thầu, mua bán kit test tại nhiều địa phương. Trong đó, bị cáo trực tiếp là người chi phần trăm “hoa hồng” cho các tỉnh khi có hợp đồng mua bán kit test được ký kết.

Theo bị cáo Vũ Đình Hiệp, có hai phương thức giao dịch giữa Việt Á và các địa phương. Một là địa phương mượn kit trước rồi làm hợp đồng thanh toán sau. Hoặc mua trực tiếp rồi đến lấy.

Sau khi thanh toán xong thì theo quy chế, Việt Á sẽ trích phần trăm “hoa hồng” cho các cán bộ chống dịch vất vả. Về cáo trạng quy kết bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số tiền vi phạm hơn 325 tỷ đồng, bị cáo Vũ Đình Hiệp thừa nhận là đúng.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Việt Á, để phục vụ cho quá trình chi “hoa hồng” của Phan Quốc Việt, bị cáo luôn mang sẵn trong người 50.000 USD đến 300.000 USD. “Khi nào bị cáo nhận chỉ đạo của Phan Quốc Việt thì sẽ gặp đúng người để chi...”, bị cáo Hiệp cho hay.

Theo cáo trạng của VKS, ông Chu Ngọc Anh nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD; Phạm Công Tạc nhận 50.000 USD còn Trịnh Thanh Hùng nhận 350.000 USD. Do vậy, bị cáo Chu Ngọc Anh và Phạm Công Tạc bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” còn Trịnh Thanh Hùng bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Còn tại Bộ Y tế trong quá trình cấp phép lưu hành sản phẩm kit test cho Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt dùng kết quả nghiên cứu cùng Học viện Quân y đi đăng ký tại Bộ Y tế, để Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bán ra thị trường.

Khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) đã lợi dụng chức vụ, hướng dẫn Phan Quốc Việt soạn thảo các văn bản liên quan cấp phép; tác động đến người của Bộ Y tế để giúp Việt. Nhờ vậy, bị cáo Trịnh được Việt cảm ơn 200.000 USD và đã bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi hành công vụ”.

Ngoài ra, một số bị cáo khi đó là lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Y tế cũng bị cáo buộc có hành vi nhận hối lộ, làm sai quy định giúp Công ty Việt Á được phép sản xuất kit test, bán thương mại.

Tổng cộng, có hơn 4,5 triệu kit test được Công ty Việt Á bán ra, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng, trong đó gây thiệt hại cho Nhà nước 402 tỷ đồng. Dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ đại án Việt Á sẽ diễn ra trong 20 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ