Xét xử Phan Quốc Việt và nhóm nguyên sĩ quan Học viện Quân y trong vụ Việt Á

GD&TĐ - Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và nhóm nguyên sĩ quan Học viện Quân y, hầu tòa sáng nay (27/12).

Hình ảnh bị cáo tại tòa sáng 27/12.
Hình ảnh bị cáo tại tòa sáng 27/12.

Ngày 27/12, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội bắt đầu xét xử các bị cáo nguyên sĩ quan Học viện Quân y, gồm: Thượng tá Hồ Anh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Trưởng phòng Trang bị Vật tư; Thiếu tá Ngô Anh Tuấn, nguyên Trưởng phòng Tài chính; Thiếu tá Lê Trường Minh, nguyên Trưởng ban Hóa dược.

Và 3 bị cáo còn lại gồm: Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học Công nghệ; Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp, là Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo bị đưa ra xét xử vì liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Học viện Quân y.

Đây cũng là một phần của vụ án Công ty Việt Á, thuộc phần quân đội giải quyết, còn lại sẽ được TAND TP Hà Nội xét xử ngày 3/1/2024 tới.

Theo cáo trạng, năm 2020, Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu kit test Covid-19 với kinh phí gần 19 tỷ đồng của Nhà nước.

Kết quả nghiên cứu là tài sản do Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ quản lý nhưng Học viện Quân y lại "đồng ý để Công ty Việt Á toàn quyền sử dụng".

Bị cáo Hồ Anh Sơn được giao là chủ nhiệm đề tài, đã đề nghị Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, khi đó là Phó Giám đốc Học viện Quân y ký công văn gửi Bộ Khoa học Công nghệ, đề nghị phát triển kit test.

Biết việc này, Trịnh Thanh Hùng yêu cầu Sơn đưa Công ty Việt Á vào cùng nghiên cứu vì Hùng quen biết Phan Quốc Việt.

Hồ Anh Sơn đồng ý, làm lại công văn mới thể hiện Học viện Quân y cùng Công ty Việt Á nghiên cứu, để Thiếu tướng Lương ký.

Bộ Khoa học Công nghệ chấp nhận công văn này.

Kết quả, kit test của Việt Á do Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt) nghiên cứu ra có chất lượng tốt hơn sản phẩm của Học viện Quân y nên được đem đi thử nghiệm và được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời vào tháng 3/2020.

Để được cấp lưu hành chính thức, Việt sau đó chỉ đạo cấp dưới soạn biên bản thể hiện Học viện Quân y đồng ý cho Công ty Việt Á được "toàn quyền sử dụng kết quả nghiên cứu" và được in logo Học viện Quân y lên sản phẩm.

Bộ Y tế sau đó chấp thuận, cho Công ty Việt Á được lưu hành sản phẩm kit test chính thức.

Như vậy, sản phẩm nghiên cứu bằng tiền Nhà nước, do Bộ Khoa học Công nghệ làm chủ sở hữu bị chuyển thành sản phẩm của Công ty Việt Á, để doanh nghiệp này bán thương mại.

Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Phan Quốc Việt cảm ơn Trịnh Thanh Hùng bằng 350 nghìn USD (khoảng 8 tỷ đồng) và cho Hồ Anh Sơn 2,5 tỷ đồng tiền "hoa hồng".

Sai phạm tiếp theo, cũng xảy ra trong năm 2020, khi Phan Quốc Việt đề nghị Hồ Anh Sơn đi mua tăm bông và các ống môi trường về bán cho Công ty Việt Á để doanh nghiệp này bán lại.

Sơn sẽ được hưởng "toàn bộ lợi nhuận" từ việc này.

Sơn đồng ý và chỉ đạo cấp dưới đi tìm mua các ống falcon, tăm bông trên địa bàn Hà Nội rồi đóng gói, chuyển cho Công ty Việt Á.

Trên nhiều sản phẩm, Hồ Anh Sơn còn cho đóng logo của Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.

Khi nhận hàng từ Sơn, Công ty Việt Á bán lại cho một số cơ sở y tế Nhà nước hoặc bệnh viện tư nhân, thu tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Trừ các khoản thuế, số tiền còn lại là hơn 3,1 tỷ đồng được Công ty Việt Á chuyển lại cho bị cáo Sơn.

Cơ quan tố tụng xác định, trừ các chi phí hợp lý, bị cáo Sơn hưởng lợi hơn 2,1 tỷ đồng qua việc làm ăn với Công ty Việt Á.

Sai phạm thứ 3 được cơ quan tố tụng quân sự xác định là Học viện Quân y mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao trong quá trình chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TPHCM.

Đầu tiên, do được giao nhiệm vụ về Bắc Ninh, Bắc Giang chống dịch nên Trung tướng Đỗ Quyết, nguyên Giám đốc Học viện Quân y ký văn bản, đề nghị và được Bộ Quốc phòng đồng ý cho dùng hơn 7,2 tỷ đồng để mua 220 bộ kit (loại 96 test/bộ).

Tuy nhiên, Học viện Quân y không đấu thầu theo quy định mà tiến hành mua "chỉ định thầu" từ Công ty Việt Á với giá hơn 9,5 tỷ đồng, cao hơn 2,2 tỷ so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng.

Tháng 7/2021, phía Học viện thanh toán hơn 5,1 tỷ đồng cho Công ty Việt Á và lúc này, các bị cáo Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp tiến hành chi "hoa hồng" cho nhóm sĩ quan.

Trong đó, bị cáo Hồ Anh Sơn nhận 344 triệu đồng; Ngô Anh Tuấn nhận 148 triệu đồng; Nguyễn Văn Hiệu nhận 492 triệu đồng.

Bị cáo Hiệu sau đó đưa cho Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó Giám đốc Học viện, 50 triệu đồng, nói: "Quà do các công ty bán vật tư y tế bồi dưỡng".

Cũng trong năm 2021, Học viện Quân y được cử đi chống dịch, nên đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho dùng hơn 17,5 tỷ đồng mua 390 bộ kit (tương ứng 37.440 test xét nghiệm) của Công ty Việt Á.

Tuy nhiên, giá trị hợp đồng sau đó được nâng lên 77.280 test tương ứng hơn 32,2 tỷ đồng - cao hơn 14,6 tỷ đồng so với báo cáo gửi Bộ Quốc phòng.

Sau đó, Vũ Đình Hiệp trong vai trò Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, đã mang hơn 3 tỷ đồng tiền "hoa hồng" đưa cho bị cáo Nguyễn Văn Hiệu; đưa cho Ngô Anh Tuấn 921 triệu đồng.

Tổng cộng, Học viện Quân y đã mua số kit test trị giá hơn 81 tỷ đồng của Công ty Việt Á với giá cao hơn báo cáo, gây thiệt hại hơn 27,7 tỷ đồng.

Qua việc này, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp đã chi hơn 7,1 tỷ đồng "hoa hồng" cho nhóm sĩ quan Học viện Quân y.

Ngoài 3 sai phạm trên, cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của Trung tướng Đỗ Quyết, nguyên Giám đốc Học viện Quân y và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y có dấu hiệu của tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng được tách ra, điều tra xử lý sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.