Xen canh phù hợp giúp nông dân nâng cao thu nhập

GD&TĐ - Nhờ xen canh phù hợp mà nông dân ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La) đã nâng cao được thu nhập, cá biệt có hộ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trồng cây xen canh với cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trồng cây xen canh với cà phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thu nhập "khủng" từ xen canh

Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn là địa phương được người dân áp dụng mô hình cây xen canh với cây cà phê mang lại hiệu quả kinh cao. Nhiều hộ dân nơi đây thường trồng cây mận hậu, cam vinh, cam canh, bưởi trên một diện tích canh tác với vườn cà phê giúp tăng năng suất cây trồng.

Ông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn là một trong những nông hộ tiên phong trong việc trồng xen canh cây có múi với cà phê phát triển kinh tế. Để có được mô hình trồng xen canh cho hiệu quả kinh tế như ngày hôm nay, ông Chất đã linh hoạt trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào việc trồng trọt.

Ông Chất cho biết: Theo chủ trương của tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2014 gia đình đã trồng xen canh một phần diện tích đất trồng cam với cây cà phê. Đến nay, gia đình ông đã trồng được hơn 4.000 cây cam trên diện tích 4 ha gồm 7 loại: Cam Vinh lòng vàng, cam V2, cam C36, cam đỏ, cam Mỹ, bưởi da xanh, cam đường; đồng thời duy trì 2 ha cà phê trồng xen cam, bưởi, bơ đã cho thu hoạch.

IMG_0043.JPG
Nhờ trồng xen canh cây trồng với cà phê, ông Hoàng Chất có thu nhập hàng tỷ đồng.

“Mỗi năm tôi cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cam, thu lãi gần 3 tỷ đồng. Để có thành công này, tôi đã tìm hiểu và học hỏi nhiều mô hình ở các tỉnh dưới xuôi như: Hưng Yên, Bắc Giang. Sau đó mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, linh hoạt trong việc ứng dụng, xen canh cây trồng vào phát triển kinh tế", ông Chất nói.

Ngoài mô hình xen canh của ông Hoàng Văn Chất, tại xã Chiềng Ban còn có vườn cây trồng xen canh cà phê và cây mắc ca của HTX Phiêng Quài, bản Phiêng Quài Tong Chinh cũng đang được triển khai hiệu quả. HTX này có 15 thành viên đang trồng gần 60 ha cây cà phê, trong đó có 40 ha cây nhãn, 3 ha cây mắc ca trồng xen canh. Ngoài ra, HTX còn có 20ha cây mận hậu, 3ha cây thanh long, 3ha rau màu các loại. Sản lượng hằng năm đạt gần 1.200 tấn, doanh thu gần 13 tỷ đồng/năm.

IMG_8673.JPG
Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn là địa phương trồng nhiều cà phê nhất.

Anh Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Phiêng Quài chia sẻ: “Tôi có khoảng 3ha cây cà phê. Năm 2016, để tăng nguồn thu nhập, tôi đã trồng xen canh với cây mắc ca, nhãn trên diện tích trồng cà phê. Tổng sản lượng năm 2023 đạt gần 170 tấn, trong đó cà phê hơn 100 tấn, nhãn hơn 60 tấn, mắc ca 4,5 tấn; doanh thu gần 2 tỷ đồng".

Thấy hiệu quả từ mô hình trồng xen canh cây cà phê với mắc ca của gia đình anh Nghĩa, các thành viên trong HTX đã áp dụng làm theo. Anh Lò Văn Kiếm, bản Phiêng Quài, cho hay: “Với 5.000 m2 cây cà phê gần nhà, tôi trồng xen cây mắc ca, trừ chi phí tôi thu hơn 100 triệu đồng/năm. Tới đây, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng cây cà phê xen với cây mắc ca trên đất nương để tăng nguồn thu nhập”.

IMG_0048.JPG
Gia đình ông Hoàng Văn Chất là nông hộ tiên phong trong việc trồng cây xen canh với cà phê.

Nhân rộng cách làm hay

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho hay: Huyện đang tuyên truyền người dân các xã trên địa bàn nên trồng cây xen canh với cây cà phê để có thu nhập kép. "Sở dĩ trồng xen cây cà phê với cây mắc ca đem lại năng suất, chất lượng cao hơn. Lý do vì cây cà phê đòi hỏi độ ẩm cao, khi cây mắc ca lớn bao giờ cũng cao hơn cây cà phê nên phủ bóng mát, giữ độ ẩm dưới mặt đất và tán cây rất tốt", ông Đĩnh cho biết.

Về nguyên tắc, khi bón phân cho cây, độ ẩm sẽ làm cho phân bón tan nhanh chóng, cây hút được nước cùng chất dinh dưỡng nên có sức đề kháng và sinh trưởng tốt, ra hoa, kết quả đúng thời vụ, đem lại năng suất chất lượng cao hơn.

IMG_8682.JPG
Người dân xã Chiềng Ban thường trồng xen canh cây mận hậu, cam với cà phê.

Theo ông Đĩnh, huyện Mai Sơn là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh Sơn La, với tổng diện tích 8.786ha. Trong đó, tại xã Chiềng Ban có 1.250 ha cây cà phê; 253,6ha cây ăn quả, người dân đang tích cực đưa các loại cây có giá trị kinh tế vào trồng xen canh để tăng thu nhập. Qua đó, đem lại giá trị trên diện tích đất canh tác đạt trung bình 150 triệu đồng/ha; nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã xuống còn hơn 3%.

Huyện Mai Sơn được biết đến là vựa cà phê xen canh cây ăn quả lớn của tỉnh Sơn La. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, đến nay trên địa bàn huyện có nhiều mô hình, trang trại, vườn cây ăn quả xen canh với cây cà phê cho thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

IMG_0044.JPG

Nhờ xen canh cây trồng đã giúp nhiều người dân có thu nhập cao.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Sơn La cho biết: Sở xác định, cà phê và cây ăn quả là những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Vì vậy, Sở thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Từ đó, áp dụng vào vườn cây của gia đình để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế và giảm nghèo tại địa phương.

Theo ông Huệ thông tin, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.700 ha cây cà phê, sản lượng bình quân hằng năm đạt trên 32.400 tấn (cà phê nhân). Diện tích cà phê tập trung chủ yếu tại thành phố Sơn La và các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu. Diện tích cà phê của tỉnh Sơn La chỉ chiếm 2,8% diện tích của cả nước, nhưng diện tích cà phê chè (Arabica) của Sơn La lại chiếm 50,34% diện tích cả nước, giá bán hơn 10.000 đồng/kg quả tươi, giá trị đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ