Nội dung Dự thảo Nghị quyết “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở châu Á – Thái Bình Dương, giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và đòi hỏi lãnh thổ ở khu vực” (mã số: S.RES.412) có đề cập đến sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Nghị quyết nhấn mạnh hành động của Trung Quốc là mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hỗ trợ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Dự thảo Nghị quyết này do Thượng nghị sỹ Robert Menendez -Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ giới thiệu với sự đồng bảo trợ của 3 Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ (Patrick Leahy, Benjamin Cardin, Dianne Feinstein) và 3 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa (John McCain, Marco Rubio, James Risch).
Xin trích dẫn một số điểm trong Dự thảo Nghị quyết:
Nghị quyết S.RES.412
NGHỊ QUYẾT
Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng luật pháp quốc tế với các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, và đối với việc giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và tuyên bố nổi bật về hàng hải và lãnh thổ.
Xét rằng các vùng biển tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm vùng biển và vùng trời phía trên cá khu vực đó, là rất quan trọng cho sự thịnh vượng, ổn định và an ninh của khu vực, bao gồm thương mại toàn cầu;
…Xét rằng Hoa Kỳ ủng hộ nghĩa vụ của tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình;
Xét rằng tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được thể hiện trong luật pháp quốc tế, không phải thứ do quốc gia này ban cho quốc gia khác;
Xét rằng ngày 23 tháng 11 năm 2013, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đơn phương và không tham vấn trước với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia khác tại châu Á - Thái Bình Dương, tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, đồng thời thông báo rằng tất cả các máy bay vào vùng ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố, ngay cả khi họ không có ý định vào không phận lãnh thổ Trung Quốc, sẽ phải thông báo kế hoạch bay, duy trì liên lạc qua vô tuyến, và tuân theo các chỉ dẫn từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc hoặc sẽ đối mặt với ""các biện pháp phòng vệ khẩn cấp"";
Xét rằng ""các quy tắc can dự"" được tuyên bố bởi Trung Quốc, bao gồm “các biện pháp phòng vệ khẩn cấp"", là vi phạm khái niệm ""sẽ liên quan đến sự an toàn hàng không dân dụng"" theo Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và do đó đi ngược lại với thực tế đã được chấp nhận;
Xét rằng Công ước Chicago về hàng không dân dụng quốc tế phân biệt giữa máy bay dân sự với máy bay nhà nước và quy định các nghĩa vụ cụ thể cho các nước thành viên, phù hợp với luật tập quán, để ""kiềm chế khỏi việc phải sử dụng vũ khí chống lại máy bay dân sự trong hành trình bay và... trong trường hợp ngăn chặn, mạng sống của những người trên máy bay và sự an toàn của máy bay phải không bị gây nguy hiểm"";
…Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ sự quan ngại sâu sắc với tuyên bố đơn phương, khiêu khích, nguy hiểm, và gây bất ổn của Trung Quốc về một khu vực như vậy, bao gồm khả năng hiểu nhầm và tính toán của máy bay đang hoạt động hợp pháp trong không phận quốc tế;
…Xét rằng Chính phủ Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về một khu vực như vậy, coi đây là một nỗ lực xâm phạm quá mức sự tự do của các chuyến bay trong không phận quốc tế và thay đổi hiện trạng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng và có khả năng gây ra những hậu quả không chủ ý tại biển Hoa Đông;
…Xét rằng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã thúc đẩy các cuộc đàm phán đa phương về tranh chấp khu vực mà không giải quyết vấn đề chủ quyền, và trong năm 2002 đã cùng với Trung Quốc ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (DOC), cam kết tất cả các bên liên quan tranh chấp lãnh thổ ""tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết tự do hàng hải và hàng không trên biển Nam Trung Hoa theo quy định của luật pháp quốc tế "" và ""giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp pháp lý bằng biện pháp hòa bình, mà không phải đe dọa hoặc sử dụng vũ lực"";
Xét rằng ASEAN và Trung Quốc cam kết vào năm 2002 để phát triển một Bộ quy tắc ứng xử khi họ thông qua Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhưng việc đàm phán không thường xuyên và kết quả đạt được hạn chế;
…Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương của bất kỳ bên nào nhằm thay đổi hiện trạng thông qua việc ép buộc, đe dọa, hoặc sử dụng lực lượng quân sự, bao gồm tiếp tục ngăn cấm việc tiếp cận bãi cạn Scarborough và việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gây sức ép đối với sự hiện diện lâu dài của Philippines tại bãi Cỏ Mây; hành động của bất kỳ quốc gia nào nhằm ngăn chặn quốc gia khác thực hiện quyền chủ quyền đối với các tài nguyên thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực này không được ủng hộ trong luật pháp quốc tế; tuyên bố của đơn vị hành chính và quân sự ở khu vực tranh chấp tại Biển Đông; và việc áp dụng các quy định đánh bắt cá mới lên vùng tranh chấp, đã gây căng thẳng trong khu vực;
Xét rằng luật pháp quốc tế là rất quan trọng để bảo vệ quyền và tự do của tất cả các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và sự thiếu rõ ràng về luật pháp quốc tế của các bên tranh chấp có liên quan đến tuyên bố của họ về Biển Đông có thể tạo ra sự bất thường, mất an ninh, và bất ổn;
Xét rằng Chính phủ Hoa Kỳ phản đối việc đe dọa, ép buộc hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa;
Xét rằng tuyên bố ở biển Nam Trung Hoa phải phù hợp với luật pháp quốc tế, và các tuyên bố không bắt nguồn từ cấu tạo địa chất là không có cơ sở;
Xét rằng ASEAN đã thống nhất Nguyên tắc sáu điểm về Biển Đông ngày 20/7/2012, theo đó các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định “cam kết của các nước thành viên ASEAN rằng:
1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (2002);
2. Hướng dẫn việc Thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (2011);
3. Sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử khu vực ở biển Nam Trung Hoa;
4 . Tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)
5 . Tất cả các bên tiếp tục tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực;
6 . Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS);
…Xét rằng ngày 1/5/2014, CNOOC, công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã đặt giàn khoan bán chìm nước sâu Hải Dương-981, với sự bảo vệ của hơn 25 tàu Trung Quốc, tại Lô 143, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý;
Xét rằng từ ngày 1 – 9/5/2014, số lượng tàu Trung Quốc hộ tống Hải Dương 981 tăng lên hơn 80 chiếc, bao gồm 7 tàu quân sự, đã hung hãn tuần tra và hăm dọa các tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam vi phạm Quy định quốc tế về chống va chạm trên biển (COLREGS), cố ý đâm liên tiếp vào tàu của Việt Nam và sử dụng trực thăng, ca nô đe dọa, cản trở tàu chấp pháp của Việt Nam;
Xét rằng ngày 5/5/2014, các tàu thuộc Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của Trung Quốc (MSAC) thiết lập một vùng bảo vệ với phạm vi 3 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương-981, xem nhẹ an ninh hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc được quốc tế công nhận, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS);
Xét rằng các tuyên bố chủ quyền và các hoạt động hàng hải liên quan của Trung Quốc để hỗ trợ cho hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 bắt đầu từ ngày 1/5/2014, chưa được chứng thực theo luật quốc tế, bao gồm cả UNCLOS, là mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, và cho thấy dấu hiệu vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC) năm 2002…