Làm xe trong 6 tháng
Vào ngày 26/3, Tập đoàn Phenikaa tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ tự hành và giao thông thông minh” lần đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-in-Vietnam” đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS Lê Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI) cho biết, xe tự hành thông minh Phenikaa được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện mẫu xe prototype đầu tiên chỉ sau 6 tháng.
Nó là sản phẩm của các nhà khoa học, chuyên gia và kỹ sư thuộc Tập đoàn Phenikaa từ các Trung tâm/Viện nghiên cứu, trường Đại học Phenikaa và Công ty CP Phenikaa X.
“Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu về xe tự hành từ tháng 4/2020. Việc đầu tiên là chúng tôi tập hợp các anh em khoa học Việt Nam ở các nước để thành lập đội chuyên nghiên cứu về giải pháp tự hành. Đến tháng 9/2020, đội được thành lập và cùng nhau lên ý tưởng lớn.
Nhưng nói thật là toàn đội không biết bắt đầu từ đâu. Vì để tạo ra xe tự hành gồm rất nhiều công nghệ trộn lẫn vào nhau. Do đó, chúng tôi bắt đầu từ việc nghiên cứu, chế tạo một con robot tự hành bình thường chạy trong trường ĐH Phenikaa để cung cấp nguyên vật liệu cho các khu vực khác nhau mà không cần giao tiếp.
Qua đó, chúng tôi tiến dần lên thêm một bước là xây dựng bản đồ 3D, xây dựng bản đồ số. Sau đó tiếp tục chuyển đổi hoàn toàn 1 chiếc xe từ xe bình thường sang xe tự hành bằng cách thay đổi toàn bộ hệ thống lái, hệ thống ga, phanh thành các hệ thống có thể điều khiển ra lệnh được bằng máy tính.
Sau đó anh em tập trung lại để nghiên cứu thuật toán để cho máy tính trung tâm hoạt động như con người, tức là nhận diện được môi trường xung quanh và đi đúng với ý của người điều khiển mong muốn. Sau 6 tháng nghiên cứu, tập trung trí tuệ, chúng tôi đã cho ra đời được xe tự hành đầu tiên tại Việt Nam”, PGS.TS Lê Anh Sơn cho biết.
Mẫu xe tự hành thông minh “Made in Viet Nam” này có công nghệ xe tự lái ở cấp độ 4 dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư xe hơi (SAE) do chính đội ngũ các nhà khoa học và các chuyên gia của Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Xe tự hành thông minh Phenikaa hoàn toàn không có tay lái nên không cần hệ thống trợ lái, chế độ tự hành được dễ dàng thực hiện khi người dùng có thể tương tác với xe thông qua phần mềm được thiết kế riêng biệt. Chỉ cần mở ứng dụng và lựa chọn điểm đi - điểm đến. Phenikaa sẽ xuất hiện trong thời gian nhanh nhất, sẵn sàng cho hành trình của người dùng.
Điểm khác biệt là xe được sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và hầu hết các công nghệ tiên tiến trên thế giới như bản đồ 2D/3D, cảm biến Lidar, SLAM, học máy, học sâu…
Những công nghệ hiện đại trên xe tự hành gồm: LIDAR - Sử dụng laser để đo khoảng cách, giúp tạo ra bản đồ độ phân giải cao 3D chính xác về môi trường xung quanh xe, qua đó sử dụng trí tuệ nhân tạo để xác định vị trí của mình trong không gian.
Video camera - sử dụng thị giác máy tính để nhận dạng và đo lường đối tượng, Cung cấp màu sắc, độ tương phản và nhận dạng ký tự quang học. GNSS (RTK) - sử dụng các vệ tinh để cung cấp định vị không gian địa lý đạt tính chính xác cao, cung cấp vị trí chính xác của xe tự hành. RADAR - sử dụng cụm sóng âm thanh để đo khoảng cách, hiệu quả trong việc đo vận tốc tương đối.
Xe áp dụng các giải pháp thông minh, thân thiện với môi trường khi chạy bằng điện, sở hữu các tính năng tự hành với gần 40 tính năng thông minh chia ra làm 04 nhóm hệ thống: Hệ thống kiểm soát làn; Hệ thống an toàn, Hệ thống nhận diện, và Hệ thống điều khiển thông minh.
Xe tự lái sớm tham gia giao thông?
PGS.TS Lê Anh Sơn cho biết, xe tự hành Phenikaa có nhiều tính năng vượt trội như hệ thống chuyển làn tự động, nhận diện biển báo và người đi bộ, định vị chính xác cao trong không gian sử dụng bản đồ 3D hay chức năng phân tích quỹ đạo di chuyển của các xe xung quanh...
Để bảo đảm an toàn cho xe tự hành, PGS.TS Lê Anh Sơn cho biết, nhóm đã thiết kế trong máy tính trung tâm, hàng loạt cảm biến được gắn lên.
Nó giúp thay thế các giác quan của con người với mục đích bảo đảm sự chính xác và an toàn thông qua việc nắm bắt toàn bộ những vấn đề đang xảy ra ở môi trường xung quanh xe.
Ngoài ra, xe cũng được trang bị loạt tính năng an toàn như nhường đường, giảm tốc khi vào vòng cua, tránh phương tiện đi ngược chiều…
PGS.TS Lê Anh Sơn hy vọng xe tự hành sẽ sớm được tham gia giao thông ngoài đường. Tuy nhiên, cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là bản đồ số độ phân giải cao. Hiện Việt Nam chưa có đơn vị nào làm bản đồ số độ phân giải cao, hoặc chỉ làm rất nhỏ ở khu vực nào đó.
Hai là số hóa tất cả hệ thống giao thông hiện tại, ví dụ như đèn đường, biển báo, tín hiệu giao thông… thì xe tự hành mới có thể sử dụng tài nguyên ấy để đi lại. Thứ ba là hành lang pháp lý. Hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý để loại xe này tham gia giao thông.
“Chúng tôi có niềm tin các khu vực tư nhân sẽ chuyển đổi sử dụng xe tự hành. Mỗi đơn vị chỉ cần sắm vài chiếc xe tự hành bên cạnh những chiếc xe truyền thống. Bởi có nhiều đơn vị hoạt động theo mùa, ví dụ như mùa du lịch họ cần rất nhiều xe, rất nhiều lái xe.
Nhưng hết mùa, các lái xe có thể hết việc, một là phải cho lái xe nghỉ, hai là vẫn phải sử dụng, phải trả lương nhưng lái xe không có việc để làm. Nếu dùng xe tự hành thì hoàn toàn giải quyết được bài toán này.
Cùng với sự phát triển và mở rộng ứng dụng giao thông thông minh Busmap, sản phẩm xe tự hành Phenikaa sẽ giúp giải quyết những vấn đề giao thông trong đô thị, thúc đẩy sự phát triển của đô thị thông minh và góp phần tạo nên một cuộc sống tốt đẹp với nhiều tiện ích cho người dân”, PGS.TS Lê Anh Sơn chia sẻ.