Đây có thể là động thái làm sớm xuất hiện những chiếc xe không người lái trên hệ thống giao thông đường bộ đông đúc. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nhiều nguy cơ, đặc biệt là độ an toàn bảo mật của công nghệ xe tự lái.
Tính năng vượt trội
Xe tự lái hay xe tự hành (self-driving car hoặc autonomous car) vài năm qua đã tạo nên cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các hãng xe. Tuy nhiên, dù luôn gây chú ý trong mỗi cuộc triển lãm xe hay công nghệ như CES, EMS, IAA, nhưng vẫn chưa thực sự có một dòng xe tự lái nào có thể "tự lái" xuất hiện trên đường như trong những bộ phim viễn tưởng. Trong đó, trở ngại về công nghệ điều khiển và hệ thống luật pháp đang là hai vật cản chính. Mặc dù vậy, việc thống nhất các chỉ tiêu về phanh tự động cho các dòng xe mới vừa qua đã tạo nên bước ngoặt cho lĩnh vực xe tự hành.
"Bằng cách chủ động lắp đặt hệ thống phanh tự động trong các loại xe, 20 nhà sản xuất sẽ giúp giảm tai nạn và cứu rất nhiều người. Đó là chiến thắng của sự an toàn và chiến thắng của khách hàng", USA Today ngày 18/3 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Giao thông Mỹ - ông Anthony Foxx. Tính năng phanh tự động sử dụng hệ thống camera, radar và laser để xác định khoảng cách và vận tốc tương đối của xe trước mặt để dừng xe kịp thời. Các cảm biến kiểu này chính là phần rất quan trọng trong xe tự hành.
Các hãng xe tham gia thỏa thuận này gồm Audi, BMW, Fiat Chrysler, Ford, General Motors, Honda, Hyundai, Jaguar Land Rover, Kia, Maserati, Mazda, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Nissan, Porsche, Subaru, Tesla, Toyota, Volkswagen và Volvo. Nó sẽ có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9/2022 và cũng áp dụng cho hầu hết các loại xe bán tải vào tháng 9/2025. Nhóm các thương hiệu này chiếm tới 99% thị trường xe mới, nên có thể nói thỏa thuận trên sẽ gần như làm thay đổi ngành xe hơi toàn cầu vì trước đây, phanh tự động chỉ là một tùy chọn của mỗi hãng.
Ở Việt Nam hiện tại có ít nhất 2 chiếc Tesla Model S đang hoạt động. Ngoài việc hợp chuẩn thì các nhà sản xuất cũng cam kết, phiên bản cập nhật của chế độ tự hành sẽ sớm được ra mắt: cho phép thay đổi tốc độ linh hoạt hơn theo điều kiện đường, điều khiển xe mượt mà hơn, bám làn đường tốt hơn khi di chuyển trên những con đường xấu và học từ người dùng tốt hơn.
Hãng Tesla cũng lưu ý khách hàng, tính năng tự hành trên xe của họ chỉ phù hợp với đường cao tốc. Một số người đã cố thử nó trên đường nhỏ, đường tốc độ chậm hay quá đông xe. Trong trường hợp này thì Tesla S sẽ phản ứng không tốt, gây nguy hiểm cho tài xế và những người xung quanh.
Cảnh báo những nguy cơ
Tesla từng cho biết, hệ thống tự hành trên các mẫu xe hơi của hãng không có nghĩa là tự động lái hoàn toàn, nhưng một số chủ nhân của những mẫu xe này lại không nghĩ vậy. Nhiều người đã thử nghiệm ngay hệ thống này trên đường bằng cách thả hết cả 2 tay để xem liệu rằng những chiếc Tesla sẽ tự xử lý như thế nào trên đường cao tốc hay ở ngoại ô. Điều này đã dẫn đến những tình huống cực kỳ nguy hiểm.
Thậm chí, nguy cơ tin tặc tấn công hệ thống máy tính xe tự hành có thể "thôi miên tài xế". Nhiều nghị sĩ Mỹ cũng lo ngại về độ an toàn bảo mật của công nghệ xe tự lái. USA Today dẫn một cảnh báo từ các quan chức Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan An toàn giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) cho rằng, những chiếc xe hiện đại rất dễ bị hack.
Dù đây là nguy cơ đã được giới công nghệ bàn tán từ lâu nay, nhưng việc FBI và NHTSA vào cuộc là minh chứng cho thấy sức ảnh hưởng từ xe tự hành và trở thành vấn đề cho ngành giao thông cũng như nhiều vấn đề xã hội. "Các phân tích cho thấy những nhà nghiên cứu có thể kiểm soát tính năng điều khiển từ xa lên phương tiện giao thông, bằng cách khai thác lỗ hổng của hệ thống giao tiếp không dây", cảnh báo từ FBI cho biết.
Bên cạnh đó, trong thời đại mạng wi-fi phủ sóng rộng rãi, đây cũng là công cụ hữu hiệu cho tin tặc tấn công nhiều tính năng như cắt phanh, can thiệp vào tay lái, tự mở ổ khóa, tự bật tín hiệu, GPS...