Xe ôm thời “4.0”: Lựa chọn “tự do” hay công nghệ?

GD&TĐ - Vài năm trở lại đây, sức mạnh công nghệ đã khiến hàng chục nghìn lao động nghề xe ôm truyền thống mất việc làm, nếu không tham gia vào hệ thống dịch vụ sử dụng công nghệ như Grab hay gần đây là GoViet. Tuy nhiên, một số “bác tài” xe ôm truyền thống vẫn duy trì được nguồn khách hàng thường xuyên, để bảo đảm cuộc sống nhờ dịch vụ uy tín và chất lượng.

Anh Nguyễn Lương Toàn vẫn trung thành với nghề xe ôm truyền thống
Anh Nguyễn Lương Toàn vẫn trung thành với nghề xe ôm truyền thống

“Người vận chuyển” mới

Trước kia, khi có nhu cầu di chuyển người ta thường tìm đến những “bác tài” đang ngồi vắt vẻo trên chiếc xe máy dựng nơi vỉa hè, góc phố. Thời buổi của công nghệ nên mọi chuyện đã khác. Rất nhiều người sử dụng ứng dụng trên điện thoại để gọi xe ôm. Dịch vụ thuận tiện, giá cả phải chăng đã khiến cho hàng chục nghìn xe ôm tự do mất việc làm. Để mưu sinh, nhiều người làm nghề xe ôm truyền thống cũng phải sắm smartphone để gia nhập đội quân xe ôm công nghệ hùng hậu. Những tưởng, xe ôm truyền thống đã hết thời, thế nhưng, để ý một chút, cũng không khó để nhận ra, nghề xe ôm tự do vẫn tồn tại.

Nói về sự thay đổi của nghề xe ôm, anh Nguyễn Lương Toàn, 56 tuổi ở phố Tôn Đức Thắng, cho biết: Thay vì trước đây, xe ôm chở người là chủ yếu, nhưng nay chở hàng, ship hàng là chính. Đây chính là sự thay đổi để tồn tại với nghề mà không phải chịu bất cứ sự ràng buộc nào.

Từ khoảng 16 giờ, dọc theo một tuyến phố đông người có khá nhiều xe ôm tự do đứng đợi khách đi xe. Hình ảnh ấy dường như không khác gì những năm về trước của nghề xe ôm, tuy nhiên công việc mà họ thực hiện đã có những thay đổi đáng kể, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ xe ôm công nghệ.

Thường ngày, anh Toàn chỉ chở một vài em nhỏ đi học, vài khách vãng lai. Công việc sẽ bận rộn từ chiều cho đến tối, thậm chí có thể muộn tới 12 giờ đêm. Với khách quen, điều quan trọng nhất là có mặt sớm nhất có thể và đúng hẹn. Theo kinh nghiệm, khoảng thời gian cuối giờ chiều là thời điểm xe ôm công nghệ như Grab hay GoViet không còn đi nhiều, trong khi đó nhu cầu xe ôm lại tăng lên, đặc biệt là ship hàng, chở hàng, thu tiền cho các khách hàng quen.

Các loại hàng được thuê chở rất phong phú: Sổ sách, chứng từ, thư tín, thực phẩm, hàng tiêu dùng… nặng nhất là chở két sắt. Anh Toàn cho biết, đã có lần anh nhận chở chiếc két nặng tới 1,2 tạ, tất nhiên công chở là khá cao, còn lại những món hàng khác, tùy theo đường xa, gần mà tính tiền. Ship hàng, nếu phải đưa nhiều nơi thì tính theo điểm đến, mỗi điểm 20.000 - 25.000 đồng, đi một vòng là có thể thu được từ 100.000 - 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng anh Toàn thu nhập được khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Cứu cánh cho cuộc sống

“Bật mí” kinh nghiệm nghề xe ôm tự do, anh Toàn cho biết: Dịch vụ vận chuyển cho khách hàng đã khác hơn so với trước đây. Thay vì chỉ đứng một chỗ đợi khách, người làm xe ôm tự do phải chủ động tìm kiếm nguồn khách hàng. Bắt đầu từ khu vực gần nhà, người quen, tự tạo dựng một hệ thống khách hàng riêng. Khách hàng là các cửa hàng mặt phố, cửa hàng online, cơ quan, doanh nghiệp trong khu vực.

Nhiều người làm nghề xe ôm tự do đã nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Cũng theo anh Toàn, cùng làm xe ôm như anh, các “bác tài” khác đều tìm kiếm và mở rộng hệ thống khách hàng theo mối quan hệ và sự nhạy bén riêng của mỗi người. Có những người chủ yếu làm xe ôm về đêm, vì khách hàng của họ là những kiếm sống về đêm hoặc khách say rượu về nhà, hay nhẹ nhàng hơn là ship đồ ăn đêm cho mấy chú “cày game”…

Không chỉ đơn thuần như những công việc của anh Toàn, nghề xe ôm tự do còn rất đa dạng và ẩn chứa nhiều rủi ro. Đặc thù thường xuyên phải di chuyển trên đường, dẫn đến nguy cơ về tai nạn giao thông; đi làm đêm thì nguy cơ về trấn lột, cướp bóc, không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn liên quan đến sức khỏe, tính mạng… Tuy nhiên, với nhiều người, nghề xe ôm tự do đang là cứu cánh cho cuộc sống, bởi ngoài công việc này ra, những kỹ năng nghề nghiệp của họ trong các lĩnh vực khác là rất hạn chế hoặc không còn phù hợp với yêu cầu mới của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ