"Chuyên gia hòa giải"… chạy xe ôm

GD&TĐ - Ngoài công việc chính là cán bộ tư pháp xã, hàng ngày ông Lê Văn Đức, ngụ ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang còn phải chạy xe ôm chở khách tham quan núi Cấm kiếm thêm thu nhập. Bình dân là vậy song ông còn làm được nhiều chuyện “lớn” và là một “chuyên gia hòa giải” tài tình được bà con xóm giềng quý mến.

Ông Đức chạy xe ôm...
Ông Đức chạy xe ôm...

“Khởi nghiệp” với nghề chạy xe ôm

Ngồi nghỉ mệt sau chuyến chở khách, ông Đức kể, ông cưới vợ năm 19 tuổi, vợ ông cũng nghèo, nên khi ra riêng họ chỉ có đôi bàn tay trắng. Nhờ học hết lớp 12 năm 1994, ông xin vào làm cán bộ tư pháp xã nhưng cũng phải chạy xe ôm trong cảnh “vợ đẻ, con đau, nhà hết gạo”. Lúc ấy, vợ vừa sinh đứa con thứ 2, còn con trai đầu lòng mới lên 8 tuổi, ông gom hết 3 tháng tiền lương mới mua được chiếc xe gắn máy… không giấy tờ. Mỗi ngày, tranh thủ ngoài giờ hành chính từ 11giờ đến 13 giờ 30 và 17 giờ đến tối, ông bắt khách dưới chân núi rồi đưa lên đỉnh núi. “Nghề chạy xe ôm thời kỳ đó có tiền lắm nhưng rất vất vả, bởi đường lên núi chưa được làm như bây giờ. Đến khi thi công mình vẫn chạy. Ở những đoạn nham nhở phải khiêng xe, thấy vậy người đi trả cao gấp 3 - 4 lần”, ông Đức nhớ lại.

Vào dịp lễ Tết, nguồn thu nhập từ nghề xe ôm của ông Đức tăng lên đáng kể. “Tan giờ, mình thanh thủ chở khách lên hoặc xuống núi rồi mới ăn cơm. Nhiều khi gặp khách thành phố, đi với họ từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm được họ “bo” vài trăm ngàn là chuyện bình thường”, ông Đức chia sẻ. Trước đây, thời điểm ông Đức chạy xe ôm lượng người tham gia nghiệp đoàn chỉ khoảng 50, nay tăng lên… 1.000. Ông thú thật, nhờ nghề chạy xe ôm mà vào năm 2007 gia đình mua được miếng đất cất căn nhà kiên cố. Sau đó vài năm, tiếp tục có vốn sang 5 công đất vườn và sắp tới chuyển sang trồng xoài keo.

Ông Đức vui vẻ cho biết thêm, từ cái nghề chạy xe mà ông cũng góp công phá được một số “vụ án”. Cách đây khoảng 10 năm, trong lúc đang chạy xe, ông nghe tiếng tri hô và nhìn thấy có một người lạ mặt vụt chạy vào rừng gần đó. Đó là kẻ đội lốt du khách đến một tiệm tạp hóa trên đường lên xuống suối Thanh Long giả vờ mua bánh kẹo, rồi trả bằng tờ tiền 500 ngàn đồng giả. Người chủ tiệm phát hiện tờ tiền có sự bất thường nên nghi ngờ và anh ta tháo chạy. Ông Đức rồ ga cùng một số người truy đuổi và bắt được đối tượng giao cho công an, trong người đối tượng lưu giữ một lượng lớn tiền giả.

Bên những giấy khen thành tích
Bên những giấy khen thành tích 

Năm 2016, trong lúc chạy xe về nhà, ông Đức phát hiện một thanh niên cứ láo liên ngó ngang ngó dọc khi đậu chiếc xe tải bên đường nên sinh nghi và theo dõi. Để ý đến lần thứ ba, ông Đức phát hiện chiếc xe này chở thuốc lá, ngụy trang một lớp cát bên trên, liền điện thoại báo công an. Sinh nghi, chiếc xe tải bỏ chạy. Sau khi rượt đuổi qua đoạn đường dài khoảng 7km, công an chặn bắt được chiếc xe cùng tang vật.

Ngoài ra, ông Đức còn vận động dân chạy xe ôm trong nghiệp đoàn tham gia chữa cháy rừng. Ông kể: “Ngày trước, hễ ở đâu báo động cháy rừng là có vài trăm chiếc xe ôm sẵn sàng chở theo những can nước chạy đến địa điểm xảy ra để chữa”. Và ông cũng “khoe” thêm thành tích diệt trộm: “ Dân chạy xe ôm mà nghe nói có ăn trộm thì rất ghét nên khi nghe tri hô là hàng loạt xe túa ra bao vây tứ phía. Do vậy mà trộm cắp không bao giờ dám đến núi Cấm hành nghề”.

Tâm tốt, hòa giải hay

Nghề chạy xe ôm hỗ trợ đắc lực cho việc làm trưởng ấp của ông Đức, do ông có điều kiện “đi thực tế” thường xuyên, nắm tình hình trong dân. Trước đây, An Hòa nổi tiếng là ấp ma túy, đánh lộn, trộm cắp… khiến người dân trong vùngrất hoang mang. Sau khi được điều về “nhận chức”, ông Đức đi hết nhà này đến nhà khác để vận động những đối tượng bất hảo hướng thiện. Ông kể: “Tổ 7, ấp An Hòa có 35 hộ nhưng trong đó đã hết 15 là thuộc gia đình bất hảo. Khi đó nói đến ấp này ai cũng biết vì… tai tiếng. Được giao nhiệm vụ, mình bỏ công đến từng hộ vận động, rồi cho những đối tượng này tham gia lực lượng dân quân tự vệ nhằm mục đích ràng buộc họ. Những người này có hoàn cảnh nghèo nên khích lệ họ bằng những quà cáp thiết thực do mạnh thường quân đóng góp”. Qua năm tháng, các đối tượng bất hảo đã dần chuyển hướng rồi được giới thiệu vào làm việc ở các công ty hoặc tham gia nghiệp đoàn xe ôm. Giờ đây, nơi này đã trở thành ấp văn hóa và hầu hết những người được cảm hóa đều trở thành công dân tốt, thậm chí thoát nghèo.

Là cán bộ tư pháp xã, trung bình mỗi tháng ông tham gia xử lý khoảng 15 vụ khiếu kiện. Để hoàn thành nhiệm vụ và nâng cao ý thức người dân, ông luôn đi vận động, tuyên truyền bất kể giờ giấc. Ông chia sẻ: “Người Khơ-me có phong tục đi ruộng khoảng 11 giờ về ăn cơm, rồi chiều lại đi tiếp. Do đó muốn vận động gì cũng hơn 5 giờ mới đến gặp, nhiều trường hợp phải đợi đến 8 giờ tối”. Không chỉ vậy, vị trưởng ấp này còn thường xuyên vận động mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh trợ giúp nhiều gia đình để có nhà ở. Như hộ anh Châu Phú Cường (ngụ tổ 7, ấp An Hòa) vốn là hộ nghèo nhất xóm đến nay đã có được căn nhà lành lặn. “Ba năm trước, anh Đức đưa tui vô dân quân tự vệ, rồi giới thiệu mối đi hái xoài, một ngày được hơn 200 ngàn đồng. Có quà tài trợ, ảnh cũng ưu tiên cho gia đình tôi. Hai năm trước, ảnh vận động cất cho căn nhà, thậm chí cho gạo ăn khi đói” – anh Cường cho biết.

Từ những cống hiến trên, ông Đức được cấp trên tặng nhiều giấy khen về thành tích tố giác tội phạm, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nếp sống văn hóa mới, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Năm 2015, ông được điều chuyển về làm bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp An Lợi do giỏi tiếng Khmer.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Israel đe dọa dội bom Iraq sau khi tên lửa đạn đạo của Iran di chuyển đến đó.

Lý do đến lượt Iraq bị đe dọa dội bom

GD&TĐ -Israel đang cân nhắc tiến hành các cuộc dội bom chính xác vào một loạt các mục tiêu ở Iraq để ngăn chặn mối đe dọa của các cuộc tấn công tiếp theo.

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.