Xe ôm tung hoành núi Cấm

GD&TĐ - Đã từ lâu, tại chân núi Cấm (cách gọi dân gian của địa danh Thiên Cấm Sơn), thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), xuất hiện một nghề với thu nhập hàng ngày rất cao, đó là công việc của những người chạy xe ôm đưa rước khách du lịch lên đỉnh núi!

Xe ôm tung hoành núi Cấm

Nhất là những năm gần đây, với lý do để phòng tránh tai nạn do sạt lở núi và đá rơi, xe ô tô chở khách lên núi bị cấm, trong khi giá cáp treo lại khá cao, thì đội ngũ xe ôm càng “sống khỏe”...

Ăn nên làm ra nhờ… cáp treo

So với lần đến núi Cấm gần nhất của tôi cách đây 3 năm, lần này trở lại, cảm giác đầu tiên của tôi là ngạc nhiên về sự bùng nổ của “đội quân” xe ôm chở khách.

Theo quan sát của tôi, khi trước ở các quán hàng, nhà nghỉ dưới chân núi, mỗi chỗ chỉ có khoảng dăm bảy xế ôm đứng đón chờ khách, thì nay tại bên hông, trước cửa mỗi quán hàng, người chạy xe ôm đứng đợi khách chen chúc nhau. Thậm chí, tại một số quán hàng lớn, khách dừng nghỉ nhiều thì lúc nào cũng có thường trực cả vài chục người hành nghề xe ôm “bám trụ”.

Lạ hơn nữa, nếu như ngày trước nghề xe ôm gần như chỉ là riêng của cánh đàn ông, thì nay phụ nữ cũng mang xe ra chở khách khá nhiều. Một bà bán bánh xèo và kinh doanh võng nằm ngả lưng cho du khách ở điểm chân núi kể rằng, số phụ nữ chạy xe ôm vài năm gần đây nhiều lắm, có những gia đình cả hai vợ chồng trẻ đều chạy xe. Một số nhà còn có cả cha và con gái cũng chọn nghề chạy xe đưa rước khách du lịch tham quan núi Cấm...

Theo bà chủ quán hàng chỗ chúng tôi nghỉ chân cho hay thì xe ôm dẫu đông là vậy, nhưng hầu như không có tranh giành, đấu đá nhau, bởi mỗi một nhóm người hành nghề xe ôm đều có “bến” làm ăn là một quán nghỉ nào đó, chứ ít khi họ chạy lung tung, trừ khi nào có ai đó quen gọi có khách họ mới chịu dời “bến” để đi đón khách ở chỗ khác...

Từ năm 2015, cáp treo lên núi Cấm đã đi vào hoạt động, nhưng vì giá vé không rẻ (180.000 đồng/người/khứ hồi), cộng với sự lâu la mất thời gian trong việc chờ đợi xếp hàng mua vé, lên ca bin vận chuyển..., vì thế nhiều du khách chọn cách di chuyển lên núi bằng xe ôm cho nhanh gọn, mà giá thành lại rẻ hơn nhiều so với đi cáp treo. Đó là lý do khiến lực lượng xe ôm dưới chân núi Cấm ngày càng đông đảo.

Rằng hay thì thật là hay…

Không hề ngoa một chút nào, khi tôi có thể khẳng định công việc chạy xe ôm ở khu vực núi Cấm có thu nhập cao nhất nước nếu so với các “đồng nghiệp” ở các vùng miền khác; khi mà người ít cũng kiếm dăm bảy trăm ngàn/ngày, còn những người kiếm nhiều có thể đạt cả 1,5 đến 2 triệu đồng/ngày cũng không phải là hiếm.

Đại đa số xe chở khách lên núi đều chở 2 người, có một số ít xe chở 1, và một số ít xe chở 3 người. Những xe chở 1 khách thì giá tiền phí không phải là 100.000 đồng/người, như kiểu tính ở xe chở 2, mà giá thường được nâng lên thành 120.000 đồng, bởi tài xế xe ôm luôn chỉ thích chở 2 người, như vậy vừa được nhiều tiền hơn, đỡ lãng phí chuyến như chở 1 khách.

Chính vì công việc chạy xe ôm cho thu nhập cao nên rất nhiều thanh niên cứ lớn lên là họ “bám trụ” ngay tại khu vực chân núi Cấm để hành nghề xe ôm, chứ ít đi lên thành phố hay nơi khác để kiếm sống. Thậm chí có những người, những tháng mùa lễ hội đầu năm họ ở nhà chạy xe ôm đưa rước khách lên núi Cấm, còn lại những tháng cuối năm lên thành phố để mưu sinh kiếm tiền, bởi từ tháng Bảy tới cận tết khách thưa vắng nên việc “bám trụ” dưới chân núi là rất... đói ăn, vì vậy phải lên thành phố mới mong kiếm được tiền, trong lúc chờ mùa hành hương lễ hội năm sau!

Không phủ nhận công việc chạy xe ôm chở khách lên thăm viếng núi Cấm đúng là cho thu nhập rất cao, người hành nghề “sống khỏe”, thế nhưng tôi thấy một vấn đề khá mất an toàn, còn bị thả nổi mà chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra cảnh báo, ngăn chặn, đó là: Việc những tài xế chạy xe ôm chở khách kẹp 2, kẹp 3 người quá quy định!

Như chúng ta đều thấy, đường lên núi dốc, quanh co khúc khuỷu, và xe gắn máy chở quá số người quy định sẽ luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nhất là với những xe cũ nát thì sự nguy hiểm là có thật. Rồi nữa, tình trạng tài xế xe ôm phóng nhanh vượt ẩu, chạy bạt mạng để nhanh chóng kết thúc hành trình cũng khiến nhiều khách ngồi sau xe hú vía, run sợ... Chính vì vậy, cơ quan chức năng, mà cụ thể là trạm gác soát vé cổng lên núi Cấm cần phải ngăn ngừa việc xe ôm chở quá số người quy định để phòng ngừa tai nạn cũng như các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ