Xây trường học hạnh phúc từ giảm bạo lực học đường

GD&TĐ - Để xây dựng trường học hạnh phúc ở Đà Nẵng, một trong những tiêu chí đầu tiên đạt điều này chính là giảm bạo lực học đường.

Tiểu phẩm phòng chống bạo lực học đường của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (TP. Đà Nẵng).
Tiểu phẩm phòng chống bạo lực học đường của Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (TP. Đà Nẵng).

Những năm qua, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng, chống ma túy, bạo lực học đường là việc làm không thể thiếu trong môi trường học tập.

“Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường”

Nhận thấy tính cấp thiết phải giáo dục kịp thời nhằm hạn chế tối đa bạo lực học đường trong trường học, Đoàn Trường THPT Nguyễn Văn Thoại tổ chức Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” vào buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi tháng.

Tại diễn đàn, Chi đoàn 10/3 và 12/6 đã truyền đạt cho các bạn học sinh về những câu chuyện đẹp của tình bạn trong môi trường học đường, trong cuộc sống; định hướng việc xây dựng tình bạn đẹp...

Ngoài ra, các bạn học sinh còn chia sẻ, trao đổi những thói quen tốt, hành động đẹp trong việc phòng chống bạo lực học đường; chia sẻ kiến thức pháp luật có liên quan đến hậu quả do bạo lực học đường gây ra; kỹ năng xử lý tình huống để ngăn chặn bạo lực học đường hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường...

Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, tạo môi trường để các bạn học sinh được rèn luyện, trưởng thành và trau dồi kỹ năng sống; giáo dục giá trị trong việc xây dựng tình bạn đẹp; tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường; góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Thông qua cung cấp kiến thức, hoạt cảnh và các câu đố vui, nội dung đã được truyền đạt sinh động đến các bạn học sinh, tạo ra không khí vô cùng sôi nổi.

Học sinh tham gia diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường ở Trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Học sinh tham gia diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường ở Trường THPT Nguyễn Văn Thoại.

Còn tại Trường Tiểu học Quang Trung (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) trong nhiều năm qua, trường luôn xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực học đường, phối kết hợp với các ban ngành đoàn thể, tổ chức, cán bộ giáo viên và nhân dân.

Cô Phạm Thị Kim Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho hay, nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường luôn được Ban giám hiệu trường đặc biệt quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt trong các năm học.

Theo cô Hằng, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, trường đã tổ chức 3 buổi sinh hoạt, nói chuyện trước cờ để tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh toàn trường.

Với mục đích nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Ban giám hiệu trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trường học, góp phần giáo dục thế hệ trẻ sống, lao động, học tập, làm việc theo pháp luật.

Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục đạo đức từ cán bộ, giáo viên môn chuyên, giáo viên chủ nhiệm lớp và các bộ phận trong nhà trường. Kiềm chế việc vi phạm pháp luật, không có tệ nạn ma tuý trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Phòng, chống hiệu quả hành vi bạo lực trong nhà trường và các hành động tự phát của học sinh làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cô Hằng cho rằng, không chỉ là tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên và học sinh tự giác, tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) xem những đoạn phim ngắn về phòng chống bạo lực học đường.

Học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) xem những đoạn phim ngắn về phòng chống bạo lực học đường.

Không chỉ là tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh mà còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ giáo viên và học sinh tự giác, tích cực tham gia vào phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

“Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đưa nội dung đảm bảo an ninh trật tự trường học và phòng, chống bạo lực học đường trong các buổi chào cờ và tiết sinh hoạt lớp, tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp trong năm học. Tại đây, các tiểu phẩm, tình huống dẫn đến bạo lực học đường được đưa ra nhằm minh họa cho các em, hướng dẫn cách xử lý, ngăn chặn bạo lực hoặc tham gia giải quyết, đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường”, cô Hằng chia sẻ.

Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên trong các buổi họp hội đồng, họp chuyên môn, lồng ghép với các hoạt động của tổ chức Công đoàn, Đội Thiếu niên trong những ngày kỷ niệm...

Không để xảy ra bạo lực học đường trong trường học

Trước tình trạng bạo lực trẻ em, bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian qua, ngày 7/10, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành chỉ đạo về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa và đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại trường học.

Trong đó, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng yêu cầu tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Luật Trẻ em năm 2016; Thông tư số 06 của Bộ GD&ĐT quy định quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; các văn bản chỉ đạo của các cấp về đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học.

Tăng cường thực hiện các biện pháp kỉ luật tích cực; xây dựng trường học thân thiện, an toàn, lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra bạo lực học đường (thể chất và tinh thần) trong trường học.

Nhiều hoạt động thiết thực trong việc phòng chống bạo lực học đường.

Nhiều hoạt động thiết thực trong việc phòng chống bạo lực học đường.

Tuyên truyền, nhắc nhở đội ngũ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo; phát huy truyền thống quan tâm, yêu thương, chia sẻ của cán bộ giáo viên, nhân viên đối với trẻ mầm non, học sinh, học viên, nhất là các trường hợp yếu thế.

Trong đó, Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cũng đặc biệt lưu ý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm tổng phụ trách đội các trường tiểu học, trung học cơ sở giám sát chặt chẽ cán bộ lớp, sao đỏ không được để xảy ra tình trạng đánh, hù dọa, nạt nộ, thu đồ chơi, đồ dùng học tập… gây bạo lực về thể chất và tinh thần đối với bạn trong lớp, trường.

Thường xuyên theo dõi, giám sát, xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng học sinh các lớp lớn gây bạo lực với lớp nhỏ; học sinh nam gây bạo lực với học sinh nữ…; giáo dục tình cảm tương thân, tương ái, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong trẻ mầm non, học sinh, học viên.

Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh, học viên; giáo dục phòng, tránh tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội…

Thường xuyên theo dõi, giám sát, quản lí không để xảy ra bạo lực học đường đặc biệt là trong các giải thi đấu thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ…

Tăng cường công tác giám sát, quản lí đối với người ra - vào nhà trường, nhất là thời điểm đầu giờ và giờ tan học; không để người ngoài nhà trường tự ý ra - vào khuôn viên trường học.

Thủ trưởng các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch, nội dung, triệu tập cuộc họp quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc Sở GD&ĐT; quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức nếu để xảy ra bạo lực học đường, vi phạm quy tắc ứng xử trong trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ