Hiểu rõ nguyên nhân để đưa giải pháp
Giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường được thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Hồng Nhung, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng; Phó Giám đốc chuyên môn Công ty Nghiên cứu và Tham vấn Tâm lý Family (Đà Nẵng) đưa ra từ từng nguyên nhân cụ thể.
Theo đó, một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường là học sinh bị ảnh hưởng, học theo những tấm gương của người lớn. Do đó, giải pháp đầu tiên là người lớn phải làm gương. Khi xảy ra mâu thuẫn, người lớn cần xử lý tình huống để cho trẻ thấy bạo lực không giải quyết được vấn đề và hành vi bạo lực là không được cho phép sử dụng với người khác.
Nguyên nhân thứ hai, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, là sự thiếu hiểu biết về pháp luật. Theo quy định, bất kỳ ai xâm hại đến thực thể hay tinh thần của người khác đều bị truy tố trước pháp luật, tùy vào mức độ, độ tuổi. Do đó, cần phải trang bị cho học sinh kiến thức liên quan đến pháp luật về bạo lực học đường.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến bạo lực học đường là trẻ gây bạo lực thường thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Với trẻ bị bạo lực thì thường hay bị cô lập, bắt nạt, không có bạn chơi. Bởi vậy, cần trang bị cho trẻ kỹ năng nhận diện, kiểm soát cảm xúc và kỹ năng xây dựng, kết nối các mối quan hệ. Để khi có trở ngại xảy ra, chính các bạn sẽ là người hỗ trợ để tránh trường hợp trẻ bị đánh hội đồng, hoặc bị tẩy chay.
Thứ tư, khi có mâu thuẫn, trẻ mạnh hơn thường có xu hướng sử dụng bạo lực; trẻ yếu hơn có xu hướng né tránh và sợ hãi. Cả hai đối tượng này đều thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề. Do đó, cần trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ. Trong kỹ năng giải quyết vấn đề có các bước: Trẻ phải nhận diện được vấn đề là gì; liệt kê các giải pháp để giải quyết được vấn đề đó; phân tích được ưu điểm và hạn chế của các giải pháp. Từ đó, trẻ đưa lựa chọn tốt nhất để giải quyết vấn đề thay bằng sử dụng bạo lực hoặc né tránh, sợ hãi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền trong giờ dạy kỹ năng sống cho học sinh Trường Trung học Phenikaa (Hà Nội). |
Quy tắc giải quyết mâu thuẫn
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên kỹ năng sống, Trường Trung học Phenikaa (Hà Nội) chia sẻ quy tắc giúp trẻ giải quyết mâu thuẫn, từ đó phòng tránh được tình huống bạo lực.
Trước hết, cần cho trẻ biết tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác. Trẻ hiểu rằng mình độc đáo và có giá trị, đồng thời không có những hành động làm mất hình ảnh bản thân. Tôn trọng người khác là biết chấp nhận ý kiến và quan điểm của họ, hiểu được rằng người khác cũng có những giá trị và biết chấp nhận sự khác biệt. Trẻ cũng cần được biết về quy tắc của sự lắng nghe, đó là: Bình tĩnh, thiện chí, ôn hòa, không đổ lỗi.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng chia sẻ 4 bước giải quyết mâu thuẫn như sau:
Bước 1: Tìm điểm thắt nút, nguyên nhân của mâu thuẫn.
Bước 2: Đối diện với mâu thuẫn, tìm ra trách nhiệm của mỗi bên trên cơ sở của sự tôn trọng.
Bước 3: Đưa giải pháp dựa trên những nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn, xung đột và lựa chọn phương án tối ưu.
Bước 4: Cam kết thực hiện.
Với nạn nhân, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền gợi ý trẻ cần lên tiếng khi bị bắt nạt; nói chuyện với người thân, bạn bè đáng tin cậy; đến gặp chuyên gia tư vấn của trường. Trẻ cũng cần được phát triển, thể hiện một khả năng nổi trội; học và rèn luyện kĩ năng giao tiếp; tìm kiếm những người bạn mới.
Với trẻ bắt nạt, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, bản thân các em cần tự ý thức, biết tự dừng lại, học các kỹ năng khiểm soát cảm xúc và kiềm chế cơn nóng giận. Trẻ phải được yêu cầu chịu trách nhiệm trong trường hợp hành vi bắt nạt để lại hậu quả nghiêm trọng.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đề cập đến người làm chứng và cho rằng, đối tượng này cần biết cảm thông và chia sẻ, lên tiếng và tố cáo những hành động bạo lực.
Đối với bắt nạt trên không gian mạng, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền lưu ý: Trẻ cần hiểu về những biểu hiện của bắt nạt trên không gian mạng, kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân trên không gian mạng và nâng cao hiểu biết về luật an ninh để phòng tránh bắt nạt học đường trên không gian mạng. Việc nâng cao hiểu biết và có những giờ học về sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh bởi vậy là rất cần thiết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình dự phòng, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền gợi ý một số nội dung sau:
Tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường.
Tích hợp, lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực học đường vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục.
Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong công tác phòng chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục…