Giáo dục pháp luật cho học sinh để đẩy lùi bạo lực học đường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường là biện pháp quan trọng góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.

Chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường Tiểu học Đền Lừ
Chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường Tiểu học Đền Lừ

Hiệu quả từ các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa tổ chức chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh. Nội dung, hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động.

Nét nổi bật trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học là vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền. Ngoài các hoạt động giáo dục ngoại khóa, nhà trường thường xuyên phát động tới giáo viên và học sinh các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi.

Cô Lê Thị Mai Hoa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đền Lừ cho biết, một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống bạo lực học đường chính là việc hình thành cho học sinh ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên, ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.

Những năm qua, nhà trường thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, tạo ý thức trách nhiệm, thực thi và bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, nhà trường luôn động viên, khích lệ học sinh tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Thông qua cuộc thi, nhà trường giáo dục chuẩn mực đạo đức, ý thức tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống và giá trị sống đúng đắn.

Thầy Phan Hữu Đệ- Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đăk Glei, Kon Tum) chia sẻ: Nhà trường luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm giáo dục học sinh ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa học đường, đẩy lùi bạo lực đường.

Từ đầu năm học 2022 -2023, nhà trường đã xây dựng nhiều hoạt động tuyên truyền có chiều sâu nhằm giúp các em học sinh hiểu biết rõ hơn về pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến an toàn giao thông đường bộ, an ninh mạng, phòng chống ma túy, bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội khác.

Không chỉ vậy, các em học sinh còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi tìm hiểu pháp luật do Đoàn trường và các cấp, các ngành phát động. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành các quy định của nhà trường, chấp hành pháp luật của học sinh có nhiều tiến bộ, không có học sinh vi phạm pháp luật.

Em A Ly Dũng- học sinh lớp 11A3 Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Thông qua buổi tuyên truyền, em hiểu mình phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, không làm những điều trái pháp luật. Cùng với đó là trách nhiệm xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc, phòng chống bạo lực học đường, tự giác thực hiện tốt trong cuộc sống hàng ngày.

Buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật của Trường THPT Lương Thế Vinh, Kon Tum

Buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật của Trường THPT Lương Thế Vinh, Kon Tum

Giảm thiểu những hành vi lệch chuẩn

Ông Nguyễn Đức Lương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình chia sẻ: Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhà trường được triển khai thực hiện hiệu quả đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật là biện pháp quan trọng để phòng chống bạo lực học đường.

Hàng năm, Sở chỉ đạo các trường học phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về phổ biến giáo dục trong các đơn vị, nhà trường. Đồng thời, các đơn vị, trường học chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức các buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Thông qua tuyên truyền, đã góp phần giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.

Trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, các trường tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với các hình thức: Thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt theo chủ đề pháp luật, sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi.

Cùng với việc tuyên truyền lý thuyết, trong buổi ngoại khóa các thầy cô, báo cáo viên pháp luật còn tổ chức hỏi - đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu mà vô cùng “thực tế”, tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” làm cho các em học sinh yêu thích và hào hứng tham gia.

Còn ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Với sự chủ động và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường trên địa bàn Thủ đô những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

100% các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố thực hiện kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện nghiêm túc Ngày pháp luật vào thứ hai của tuần đầu hằng tháng thông qua các buổi sinh hoạt tập trung, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, bản tin và lồng ghép vào các bài giảng của giáo viên dạy các môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh học.

Ngoài ra, việc giải đáp pháp luật qua đường dây nóng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết trên giấy, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến cũng là một trong những thế mạnh của Thủ đô nhiều năm qua, ngày càng được các trường học chú trọng triển khai và thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn Hà Nội tham gia.

Theo ông Nguyễn Xuân An Việt- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), giải pháp quan trọng để phòng, chống bạo lực học đường chính là việc tăng tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh, nhất là các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân; các hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích hoặc hành vi làm nhục người khác.

Việc lựa chọn những nội dung tuyên truyền pháp luật ngắn gọn, dễ hiểu và thông qua hình thức hấp dẫn như phiên tòa giả định, cuộc thi sân khấu hóa tìm hiểu pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, tranh ảnh minh họa, trò chơi tìm hiểu pháp luật hoặc lồng ghép tuyên truyền pháp luật trong sinh hoạt ngoại khóa... sẽ mang lại những kết quả tích cực góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, từ đó hạn chế bạo lực học đường, xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ