Xây dựng vị thế, tâm thế mới!

GD&TĐ - Xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Sau các hội nghị toàn quốc về công tác nội chính; văn hóa; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lần đầu tiên Hội nghị về công tác đối ngoại được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện tình hình thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại thời gian qua, nhất là qua 35 năm đổi mới, đồng thời quán triệt, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, quan điểm về đối ngoại của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng đã có nhiều chủ trương, chỉ đạo đúng đắn cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, trên tất cả các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.

Báo cáo tình hình, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại Hội nghị cũng nêu  rõ: Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện, tích lũy và nâng tầm cả thế và lực. Uy tín ngày càng gia tăng trên trường quốc tế, tạo tiền đề quan trọng và vị thế thuận lợi để phát triển.

Về tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác đối ngoại được dự báo sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức, do đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu, cần mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, văn hóa và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế; nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững của đất nước; triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài ra, cần tiếp tục thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình để kịp thời đổi mới tư duy và có giải pháp thích hợp trong công tác đối ngoại. Vì nếu không tiếp tục đổi mới, không nắm bắt đúng tình hình sẽ không theo kịp sự phát triển của thực tiễn.

Cần phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương...

Công tác đối ngoại trên cả ba trụ cột đã có đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ, lập trường đối ngoại tích cực hơn nữa.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, lĩnh vực mới, đối tác mới, hướng đi mới - trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ