Tham dự Hội nghị có hơn 700 đại biểu, bao gồm các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; Lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cùng Lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, Hội nghị Ngoại giao lần này có nhiệm vụ đề ra các biện pháp cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XII trong tình hình mới; đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đối ngoại nổi lên hiện nay và trong những năm tới; chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhiệm các trọng trách quốc tế quan trọng như Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiêp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; chủ động và tích cực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới, khu vực từ Hội nghị Ngoại giao 29 đến nay, các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh - phát triển của đất nước; tổng kết, kiểm điểm việc triển khai các nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XII và Chương trình hành động Hội nghị Ngoại giao 29; định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều vấn đề mới nảy sinh, khó khăn hơn trước. Do đó mục tiêu, yêu cầu đối với công tác đối ngoại cũng cao hơn trước. Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước ta, nổi bật thể hiện ở những khía cạnh:
Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Công tác đối ngoại đã phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu…
Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; quan hệ với các nước lớn tiếp tục được củng cố và thúc đẩy hài hòa, tranh thủ được các yếu tố tích cực, hạn chế được những bất đồng để phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của quốc gia…
Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao văn hóa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Chúng ta đã chủ động, kiên quyết đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt, ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai khá đồng bộ, chặt chẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng…
Theo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội 12 và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta… Đồng thời, những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ Bộ Ngoại giao nói riêng.