“Buộc” sinh viên phải đọc sách
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm – Giám đốc Thư viện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhận xét: Việc SV đọc sách ít hay nhiều phụ thuộc rất nhiều vào động cơ học tập, chương trình và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá của giảng viên.
“Muốn khuyến khích SV tự học, tự đọc thì giảng viên phải có những phương pháp để buộc SV phải đọc sách. “Ví dụ như khi dạy một chương mới, tôi thường trình bày những kiến thức của chương đó đối với cuộc sống, với nghề nghiệp của các em nó hay ở chỗ nào, kể thêm một vài câu chuyện ứng dụng có liên quan đến nội dung kiến thức của chương trình học rồi giới thiệu những đầu sách mà các em cần đọc.
Kết thúc chương, sẽ có bài kiểm tra theo hình thức E-learning, SV muốn đăng nhập vào hệ thống để làm bài kiểm tra sẽ phải trả lời khoảng 10 câu test có liên quan đến việc đọc sách tham khảo, nếu trả lời đúng khoảng 80% câu hỏi thì mới được hệ thống chấp nhận để mở bài kiểm tra”.
Cô giáo Vũ Thanh Tâm, Phó trưởng khoa Tiếng Nga, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho rằng, để hình thành văn hóa đọc cho SV thì giáo viên phải là người nêu gương, nếu giáo viên không chịu đọc, không có vốn kiến thức sâu rộng thì không thể tư vấn cho sinh viên việc đọc sách bằng thứ tiếng các em theo học được.
“Thời đi học, mình đã hình thành thói quen đọc sách, phải từ ít thành nhiều, từ đọc để lấy thông tin, đọc để cảm nhận chứ không phải đọc để học nữa thì việc đọc sẽ dễ dàng và phải đọc đều đặn” – cô Tâm cho biết.
Cô cũng không giấu rằng, bản thân mình cũng chưa thành công trong việc rèn luyện SV đọc “đến sách tiếng Việt các em cũng không chịu đọc nhiều nên đọc sách bằng tiếng Nga là cả vấn đề. Mình vẫn hướng cho SV phương pháp đọc làm sao để ngôn ngữ chỉ là phương tiện thôi, và phải chuyển từ cách đọc để lấy cấu trúc câu, từ vựng… sang đọc để cảm nhận.
Mà quả thật làm điều này thật không dễ dàng bởi ngay từ dưới phổ thông, các em đã có một thói quen đọc rất “thực dụng”, đó là rất ít khi đọc tác phẩm trọn vẹn mà hầu hết chỉ đọc tóm tắt tác phẩm hoặc đoạn trích với mục đích thi lấy điểm.
Nên thành ra, khi lên đại học, việc buộc phải đọc toàn bộ tác phẩm bằng tiếng nước ngoài thì không phải SV nào cũng thích ứng ngay. Tôi thì muốn các em phải xem ngôn ngữ chỉ là phương tiện để tiếp nhận thông tin chứ không phải là đích đến cuối cùng”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, giảng viên phải truyền cho SV cảm hứng về đọc sách và “rèn” hành vi đọc sách cho SV. “Theo dõi tình hình mượn sách ngoại văn, chúng tôi thấy có một số thầy cô yêu cầu nên số lượng SV đến thư viện để photo những bài báo, tài liệu bằng tiếng Anh có tăng lên rõ rệt”.
Thư viện Trường ĐH Kinh tế đã cập nhật nhiều sách tham khảo chuyên ngành bằng ngoại văn. “Nếu yêu cầu sách kinh tế cứ 5 năm là phải được cập nhật mới thì sách ngoại văn của thư viện Trường ĐH Kinh tế hiện có được xuất bản năm 2015, tức là các kiến thức chưa lạc hậu, và so với những sách do nước ngoài xuất bản năm 2016, 2017 thì chỉ có khác biệt về tình huống” – PGS Liêm cho biết.
Đưa sách gần hơn với người đọc
Thạc sĩ Phạm Thị Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, thay vì đưa bạn đọc đến thư viện thì các trường ĐH cần chuyển sang đưa thư viện đến với bạn đọc… Trong một khảo sát nhỏ được tiến hành tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), với câu hỏi “bạn tìm kiếm và sử dụng nguồn tài liệu học tập chủ yếu từ đâu”, kết quả cho thấy có 84% SV trả lời đến từ Internet, 9% SV trả lời từ thư viện và 7% trả lời từ các nguồn khác.
Trả lời cho câu hỏi vì sao bạn không/ít đến thư viện trường, kết quả trả lời có sự gặp gỡ rằng: do chủ quan nghĩ rằng thư viện ít tài liệu, thủ tục thư viện tốn thời gian, không biết cụ thể các dịch vụ ở thư viện, không quan tâm đến thư viện vì có ít các sự kiện liên quan đến thư viện, tài liệu đã có sẵn trên mạng…
Chính vì vậy, Ths Phạm Thị Hương cho rằng, phải tạo những điều kiện thuận tiện nhất để bạn đọc thoải mái và hài lòng với các sản phẩm dịch vụ thư viện, từ đó họ sẽ thường xuyên đến với thư viện hơn.
Thư viện các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng đều có hoạt động kết nối đầu khóa học để giới thiệu thư viện, nguồn học liệu, sản phẩm dịch vụ và thông tin của thư viện trường cho SV đầu khóa.
Ngoài hoạt động này, các thư viện nên có các hình thức quảng bá trực quan tại thư viện; tổ chức tọa đàm, giao lưu liên quan đến tác giả, tác phẩm hoặc những sự kiện văn hóa, khoa học, giáo dục, các ngày lễ kỷ niệm để thu hút sự tham gia của SV, giảng viên… Ngoài cập nhật các sự kiện, thông tin mới trên trang web thì việc sử dụng mạng xã hội ở dạng fanpage cũng là cách để thư viện tiếp cận SV nhanh chóng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm thì trong quan niệm phục vụ của thư viện Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã có sự thay đổi. “Chúng tôi quan niệm làm sao ở thư viện, cái gì sinh viên cần thì thư viện đều có để đáp ứng, nhưng thư viện không phải là chỗ để cung cấp giáo trình học tập cho SV.
Trước đây, nhà trường mua rất nhiều giáo trình về cho SV mượn luôn một học kỳ, SV được “bao cấp” sách luôn, chúng tôi có một kho sách lên đến mấy ngàn cuốn. Như thế kinh phí rất lớn và sách thì lạc hậu do khó cập nhật sách mới.
Mấy năm gần đây, thư viện thay đổi quan niệm phục vụ, cập nhật nhiều sách, tài liệu cho SV đọc tham khảo hoặc mượn trong một thời ngắn chứ không phải mượn nguyên bộ sách trong một học kỳ như trước đây” – PGS Liêm cho biết.
Mô hình thư viện trong ký túc xá (KTX) như cách làm tại KTX phía tây thành phố (Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) được tổ chức cũng là một cách để đưa sách gần hơn với người đọc. Tủ sách KTX phía tây thành phố với khoảng 500 đầu sách gồm nhiều thể loại khác nhau, từ sách văn học, hạt giống tâm hồn, sách kỹ năng, giáo trình… do cán bộ, nhân viên quản lý KTX và cả SV đóng góp.
Ngoài thời gian đọc và mượn sách vào các ngày trong tuần, vào tối thứ 6 hàng tuần, hoạt động đọc sách còn được tổ chức ở sảnh A. Thư viện KTX có phòng đọc riêng, được trang bị bang ghế và các dụng cụ thiết yếu khác, phục vụ cho khoảng hơn 2.500 SV đang lưu trú tại KTX.