Những quy định trong dự thảo Thông tư này sẽ là quy định khung cơ bản để các trường hình thành hệ thống phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường.
Giải pháp đột phá
Theo Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề, thực tế kết quả kiểm định chất lượng GDNN/dạy nghề giai đoạn 2008 - 2015 cho thấy, đa số hoạt động của các cơ sở dạy nghề được kiểm định tuân thủ cơ bản các quy định của Nhà nước.
Mặc dù các trường được lựa chọn ưu tiên tập trung đầu tư thành chất lượng cao là các trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn 10 - 15% các yếu tố bảo đảm chất lượng chưa được thực hiện, hoặc chưa đạt yêu cầu. Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng đối với các hoạt động của cơ sở GDNN còn nhiều bất cập, các hoạt động còn mang tính đơn lẻ, rời rạc và hiệu quả không cao.
Do đó, cùng với việc ưu tiên tập trung đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên… thì một giải pháp không kém phần quan trọng và có tính đột phá là phải cải tiến về quản trị nhà trường, trong đó đề cao đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo một cách tổng thể và bền vững.
Đồng thời, việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường sẽ góp phần tích cực trong đổi mới công tác quản lý GDNN, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường. Coi trọng quản lý chất lượng cũng là một trong những giải pháp nhằm đổi mới GDNN.
Định hướng xây dựng hệ thống bao gồm: Hệ thống các chính sách, quy trình, công cụ đối với tất cả lĩnh vực, nội dung quản lý của trường; hệ thống thông tin nội bộ, nhân sự và cơ chế giám sát, đánh giá. Thông qua đó trường duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng GDNN.
Đảm bảo chất lượng đào tạo
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng dạy nghề cho biết: Luật GDNN đã nêu rõ “Cơ sở GDNN bảo đảm chất lượng theo quy định”. Để đạt được yêu cầu này, cơ sở phải thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng cụ thể, trong đó cần thiết phải xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở.
Việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong nhà trường cũng đồng thời phù hợp với các quy định của Luật GDNN, Nghị định số 48/NĐ-CP ngày 15/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN. Theo đó, tại Khoản 14, Điều 4 nêu “Cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN ở Trung ương quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng trong cơ sở GDNN”.
Những quy định trong xây dựng hệ thống trong dự thảo Thông tư là quy định khung cơ bản để các trường hình thành hệ thống cho phù hợp điều kiện cụ thể của từng trường. Bảo đảm nguyên tắc tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình công cụ quản lý nhằm đổi mới quản trị nhà trường theo hướng công khai, minh bạch và hiệu quả. Xây dựng văn hóa chất lượng cũng như phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi thành viên trong nhà trường tham gia quản lý chất lượng.
Cũng theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, việc hình thành “văn hóa chất lượng” trong mỗi tổ chức cần phải trải qua một quá trình từ thay đổi về nhận thức cho đến việc xây dựng các chính sách, thủ tục… và hiện thực hóa các chính sách đó thông qua các hoạt động cụ thể nhằm tác động đến chất lượng, đáp ứng được mục tiêu của tổ chức.
Vì vậy, quy định xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng là việc làm cần thiết để cơ sở hình thành hệ thống bên trong nhà trường trên cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về GDNN, cụ thể hóa hoạt động của nhà trường để đạt tiêu chuẩn chất lượng GDNN.