Đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong chọn ngành nghề

GD&TĐ - Năm học 2016-2017, học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng chiếm khoảng 41%; vào cao đẳng, trung cấp khoảng 23%; học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm sau khi tốt nghiệp khoảng 10%.

Đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong chọn ngành nghề

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm năm nay, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học chiếm 26%. Thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề và hướng đi phù hợp với năng lực của mình.

Các cơ sở đào tạo đã chủ động phối hợp với các sở GD&ĐT, các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo nghề, các nghệ nhân, doanh nhân tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho học sinh để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Đây là một trong những kết quả của công tác định hướng phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ thực trạng hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh THCS trong bối cảnh tâm lý “chạy theo” bằng cấp còn nặng nề.

Việc phối hợp giữa các bên liên quan trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THCS, THPT ở nhiều nơi vẫn thụ động và chưa thực sự hiệu quả.

Năm học 2017 – 2018, phân luồng và định hướng nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục đại học.

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác dự báo làm căn cứ cảnh báo xã hội về nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực, giúp người học định hướng các ngành nghề theo học và các cơ sở đào tạo có kế hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu nhân lực trong quá trình phát triển KT-XH của đất nước và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, đẩy mạnh liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học để thúc đẩy phân luồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ