Xây dựng nhiều lớp phòng vệ để chống gian lận thi trực tuyến

GD&TĐ - Việc một trường đại học tại TPHCM xử lý kỷ luật hơn 80 sinh viên trong quá trình thi kết thúc học phần dưới hình thức trực tuyến đặt ra nhiều vấn đề về phòng chống gian lận trong thi cử.

Giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM được tập huấn và trải nghiệm kỹ càng các tình huống có thể nảy sinh khi sinh viên thi trực tuyến.
Giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM được tập huấn và trải nghiệm kỹ càng các tình huống có thể nảy sinh khi sinh viên thi trực tuyến.

Thực tế, việc học và thi trực tuyến rất cần tinh thần tự giác, tự học của sinh viên nhưng các trường cũng chủ động lập rào chắn giám sát để đảm bảo học thật, thi thật.

Tập huấn nghiệp vụ kỹ cho cán bộ coi thi

Vụ việc hơn 80 sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo đến đình chỉ thi khi thi kết thúc học phần trong học kỳ II năm học 2020 – 2021 là ví dụ điển hình cho công tác giám sát thi.

Trong số 80 sinh viên bị xử lý có tới 78 sinh viên bị đình chỉ thi, chỉ có 2 thí sinh bị cảnh cáo. Điều này cho thấy mục tiêu gian lận của sinh viên rất rõ chứ không chỉ đơn thuần là vi phạm các quy chế thi. Với môi trường đại học, tinh thần tự học, tự kiểm tra chất lượng học tập là điều đặc biệt quan trọng và được đề cao.

Vì vậy, theo đại diện Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), việc xử lý hành vi vi phạm quy chế thi ngoài mục tiêu răn đe còn thể hiện tính nghiêm túc, nghiêm minh của kỳ thi.

Thực tế, hình thức thi trực tiếp hay trực tuyến thì thực trạng sinh viên vi phạm quy chế thi vẫn xảy ra. Để kiểm soát tính trung thực, nghiêm túc cho kỳ thi trực tuyến trong thời gian phòng dịch, công tác tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giám sát thi từ xa cho giám thị được các trường đặc biệt lưu ý.

Ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Luật TPHCM - cho biết: Nhà trường đã tập huấn rất kỹ bằng mô phỏng hình thức thi thực tế để giảng viên có thể nhận diện các dấu hiệu và yếu tố dẫn đến vi phạm quy chế thi của thí sinh.

Song song đó nhà trường, các khoa cũng thành lập quy chế thi trực tuyến một cách nghiêm ngặt như sinh viên phải mở camera trong suốt quá trình thi, bài thi của sinh viên sẽ được lưu trên hệ thống dữ liệu của nhà trường để hậu kiểm.

Trong quá trình thi, nếu thí sinh vi phạm các nội quy và quy chế thi trực tuyến mà giám thị phát hiện (vào phòng thi trễ, camera không mở, micro không hoạt động, có người thứ 2 trong phòng thi khi đã phát đề) sẽ bị cảnh cáo, nặng hơn là đình chỉ thi khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm.

“Biện pháp các trường đưa ra để kiểm soát hành vi gian lận trong thi cử chỉ có thể kiểm soát phần nào ý thức học tập của sinh viên, cũng như đảm bảo mục tiêu chất lượng đào tạo của trường.

Còn phần lớn vẫn phụ thuộc vào ý thức của từng sinh viên, bởi khi có mục đích gian lận thì các em sẽ tìm mọi cách đạt được. Điều đó lý giải vì sao có dịch vụ thi hộ online xuất hiện trên các trang mạng xã hội”, ông An chia sẻ. 

Siết kiểm soát quá trình làm bài và thi của sinh viên

Để chống các hành vi gian lận thi cử dưới hình thức thi trực tuyến, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) thực hiện nghiêm ngặt 3 tiêu chí: Giám khảo giám sát việc thi cử và phải có mặt suốt giờ thi thì mới chứng nhận là có thi. Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường lập tức giám thị sẽ kiểm tra và phát hiện thì ngay lập tức sẽ đình chỉ thi. Ngoài ra, sau khi sinh viên thi xong, giám khảo 1 sẽ thu bài thi và giám khảo 2 sẽ giám sát các bạn, nếu có hành vi gian lận mà giám khảo 2 phát hiện cũng bị đình chỉ. Khi giảng viên chấm và nếu bài nào có dấu hiệu bất thường thì sẽ chấm hội đồng để thẩm định lại.

Theo ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin & Truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), trước thực tế dịch Covid-19 phức tạp và sinh viên phải học và thi online, trường đã ban hành quy chế về tổ chức thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tuyến vào giữa năm 2021.

Theo quy định, sinh viên sẽ bị nhắc nhở nếu vi phạm lỗi không mở camera và micro khi cán bộ coi thi yêu cầu lần thứ nhất. Nếu vi phạm lỗi này 2 lần, sinh viên sẽ bị khiển trách và trừ 25% số điểm bài thi. Sinh viên sẽ bị cảnh cáo và bị trừ 50% số điểm của bài thi nếu tiếp tục vi phạm lần thứ 3.

Sinh viên sẽ bị đình chỉ thi và bài thi 0 điểm nếu vi phạm một trong các lỗi: Thông qua camera và micro bị phát hiện có sử dụng tài liệu, nhờ người thi hộ, nhờ người hỗ trợ làm bài thi trong quá trình thi, làm bài theo nhóm hoặc trao đổi bài qua hình thức khác mà bị phát hiện.

Tất nhiên vẫn sẽ có những hình thức được xem xét trong trường hợp bất khả kháng như mất Internet, máy tính hư… nếu sinh viên chứng minh được điều đó (liên lạc ngay với cán bộ coi thi).

Nhìn nhận việc gian lận thi cử của sinh viên là chuyện không hiếm, ông Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang - cho rằng: Mấu chốt của việc kiểm soát và chống gian lận thi cử khi tổ chức thi trực tuyến chính là “cắt” hết những điều kiện và cơ hội mà sinh viên có thể nhờ tương tác, hỗ trợ trong quá trình thi.

“Điều mà ĐH Nha Trang thực hiện để giảm các vấn đề trên là trường khuyến khích giảng viên tổ thức thi vấn đáp bằng hình thức trực tuyến. Trong đó yêu cầu từng sinh viên truy cập vào ứng dụng Google Meet hoặc Zoom Meeting theo thời gian lập sẵn, bật camera, kiểm tra thẻ sinh viên, ghi video toàn thời gian sinh viên trả lời trực tuyến câu hỏi thi và tải lên hệ thống E-learning của trường để thực hiện hậu kiểm.

Nếu thi dưới hình thức tự luận, sinh viên phải chụp bài thi và đẩy lên hệ thống E-learning của trường. Với hình thức này chỉ cho sinh viên truy cập thông qua hệ thống, đúng thời gian để biết đề thi thông qua user và mật khẩu riêng của mỗi sinh viên.

Trường yêu cầu sinh viên phải có 2 thiết bị camera để giảng viên giám sát quá trình làm bài và khu vực sinh viên ngồi làm bài thi, ghi video toàn bộ thời gian thi. Sinh viên vi phạm các tiêu chí sẽ bị xử lý ngay”, ông Phương nói.

Khẳng định sinh viên có nhiều mánh khóe để gian lận thì các trường cũng có không ít giải pháp để phòng chống, nhất là với hình thức thi trực tuyến như hiện nay. Chia sẻ điều này, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông HUFI - nói: “Tùy theo môn và học phần thi, sinh viên sẽ được cho dùng tài liệu tham khảo thoải mái khi thi đề mở.

Còn nếu thi dưới hình thức trắc nghiệm hay tự luận sẽ được tổ chức và giám sát qua hệ thống camera trực tuyến kết nối trong phòng thi với giám thị coi thi. Khi thi trực tuyến, giám thị và người ra đề thi vô cùng vất vả.

Bởi mỗi phòng thi 2 giám thị phải theo dõi rất kỹ 35 - 40 sinh viên (thông qua camera tổng) nếu không sẽ có gian lận xảy ra ngay. Vì vậy, trường khuyến khích giảng viên ra đề thi dưới dạng mở”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.