Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ

GD&TĐ - Quan điểm của Bộ GD&ĐT là, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ, không phải ban hành luật để quản lý nhà giáo.

Giáo viên của Trường tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội)
Giáo viên của Trường tiểu học Kim Đồng (Ba Đình, Hà Nội)

Hiện, cả nước có gần 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nhà giáo, nhưng chưa có luật chuyên ngành về nhà giáo.Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nêu thực trạng khi phát biểu tại Hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo Thứ trưởng, nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và đào tạo. Thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tốt thì mới có học sinh, sinh viên tốt.

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ từng thời kỳ cách mạng của đất nước.

Tuy nhiên, theo khảo sát, nghiên cứu bước đầu của các chuyên gia, nhà khoa học, cả nước có gần 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nhà giáo, nhưng lại chưa có một chuyên ngành nào về nhà giáo.

Bộ GD&ĐT đề xuất, tham mưu với Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho phép nghiên cứu Luật nhà giáo. Trên cơ sở đó, chúng ta có một bộ luật căn cơ, đủ căn cứ pháp lý để phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ trưởng nhìn nhận, đây là công việc khó khăn. Bộ GD&ĐT xác định, đây là bộ luật mới, không phải là luật sửa đổi, bổ sung. Hiện, có nhiều văn bản, bộ luật quy định liên quan đến nhà giáo như: Luật Viên chức, Luật Công chức… Vậy có mâu thuẫn gì không và giải quyết ra sao?

Cũng theo Thứ trưởng, nhà giáo trong các cơ quan chính trị, tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang thường mang nhiều vai và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ khác. Vậy, giải quyết mối quan hệ này như thế nào là vấn đề khó khi xây dựng Luật Nhà giáo.

Khẳng định, giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, đây là lĩnh vực tác động tới mọi người, mọi nhà và ai cũng có thể cho ý kiến bằng lý luận, khoa học, phương pháp thực tiễn và trải nghiệm cá nhân.

Vì thế, các ý kiến tham góp thu thập được khi xây dựng Luật Nhà giáo rất phong phú. Đây vừa là thuận lợi, cũng là khó khăn, thách thức cho Ban soạn thảo. Quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT là, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, không phải ban hành luật để quản lý nhà giáo.

Chúng ta phải thực hiện đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đánh giá tổng thể cơ chế, chính sách được ban hành. Từ đó phát hiện “điểm nghẽn” trong xây dựng đội ngũ nhà giáo, quản lý, sử dụng và chế độ đãi ngộ như: chế độ tiền lương, sử dụng, quản lý trong đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, khen thưởng…

Ngoài ra, vấn đề nhà giáo công lập, ngoài công lập; nhà giáo trong các cơ quan quản lý nhà nước với nhà giáo trong các cơ sở chính trị, chính trị xã hội, lực lượng vũ trang… làm sao để giải quyết hài hòa mối quan hệ này.

Để xây dựng Luật Nhà giáo, Thứ trưởng nhấn mạnh, chúng ta phải tham vấn ý kiến nhiều chủ thể, nhằm kịp thời phát hiện những bất cập, điểm nghẽn để đề xuất giải pháp tháo gỡ bằng các chính sách trong luật. Qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.