Xây dựng Luật Nhà giáo nâng cao vị thế người thầy

GD&TĐ - Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo...

Cô và trò Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Ảnh: ITN
Cô và trò Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Ảnh: ITN

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Thông tin này được nhà giáo vui mừng đón nhận và mong Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến thông qua dự án luật này.

Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo

Từ vùng cao huyện Na Hang (Tuyên Quang), cô La Thị Mây, giáo viên Trường Tiểu học Năng Khả luôn trăn trở, làm sao có bộ luật dành riêng cho nhà giáo. Qua đó, không chỉ tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thầy, cô giáo, mà còn hạn chế được nhiều văn bản chồng chéo. “Hơn 16 năm đứng trên bục giảng, tôi đã nếm trải những “ngọt bùi” của nghề dạy học nhưng cũng không khỏi xót xa khi đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Lương không đủ sống khiến nhiều thầy, cô phải bươn chải, “chân ngoài dài hơn chân trong”, cô Mây trải lòng.

Chính phủ đã thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Thông tin này khiến cô Mây và đồng nghiệp vô cùng phấn khích, bởi trước đó cô từng đọc, nghiên cứu Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT; trong đó có nhiều chính sách thiết thực. Chẳng hạn: Chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo.

“Tôi tâm đắc với đề xuất về chính sách tiền lương cho giáo viên. Theo đó, đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, tiền lương phải được xếp hệ số cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức”, cô Mây bày tỏ và mong đề xuất này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo tới đây và sớm được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thùy Linh, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho rằng, dù đã được quan tâm nhưng các chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp nên chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. “Việc nhiều giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề trong thời gian qua là một trong những minh chứng về vấn đề này”, cô Linh viện dẫn.

Từ thực tế công việc của mình, cô Linh nhận thấy, lao động của nhà giáo có tính chất đặc biệt: Từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Vì vậy, điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động sư phạm.

“Tôi tin, khi có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề nêu trên, giúp đội ngũ yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người”, cô Linh bày tỏ.

Cô giáo La Thị Mây và học trò. Ảnh: NVCC

Cô giáo La Thị Mây và học trò. Ảnh: NVCC

Mong Quốc hội xem xét, thông qua

Tâm đắc với ý kiến kết luận của Thủ tướng về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, cô Đinh Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Linh (TP Sơn La, tỉnh Sơn La) ghi nhận, Chính phủ, Bộ GD&ĐT luôn đồng hành, quan tâm, thấu hiểu về đội ngũ nhà giáo. Dù mới là bước “khởi động” nhưng chúng tôi rất vui và mong những đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo trên cả nước”, cô Hậu bộc bạch.

Công tác trong môi trường ngoài công lập, cô Hậu nhận thấy, các quy định hiện hành, trong đó có Luật Viên chức chủ yếu đề cập đến đội ngũ nhà giáo trong môi trường công lập. Ngoài ra, các chính sách đối với nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức. Điều này càng khiến cô Hậu mong Luật Nhà giáo sớm được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập.

Cũng là nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn ĐBQH Kiên Giang) cho hay, ở các kỳ họp trước, một số đại biểu cũng đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đủ điều kiện để đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội. Hy vọng, khi đã được Chính phủ thống nhất, dự án Luật này sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các kỳ họp trong năm 2024.

Nhà giáo đang được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, những luật này chưa giải quyết được tính đặc thù trong lao động của nhà giáo. Ngay như Luật Giáo dục cũng không thể bao quát hết các vấn đề liên quan, bởi đây là luật khung cho lĩnh vực giáo dục. Vì thế, cần đạo luật dành riêng để các thầy, cô được bảo vệ, tôn vinh xứng đáng và yên tâm công tác.

Ngoài ra, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và chế tài xử lý khi nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. “Từ những phân tích trên, tôi cho rằng cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhằm đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nêu quan điểm.

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối năm học 2021 - 2022, cả nước có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong các cơ sở công lập và ngoài công lập, từ mầm non, phổ thông, đại học và hệ thống dạy nghề.

Ngoài ra, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 sinh viên đang học tập tại trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước. Đây là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã khẳng định vị thế, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa nên thiếu cơ sở để thực hiện. Trong bối cảnh đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, vị thế, sự tự chủ của nhà giáo trong triển khai chương trình, quản lý và giáo dục học sinh, thực hiện các hoạt động chuyên môn cần tiếp tục được luật hóa để tạo điều kiện cho nhà giáo phát huy năng lực, thực hiện nhiệm vụ.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, khi có Luật Nhà giáo, mỗi giáo viên sẽ tự soi mình để rèn giũa, nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Trên hết, nhà giáo được xã hội tôn vinh xứng đáng. Do vậy, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của đội ngũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.