Luật Nhà giáo chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; đồng thời cho rằng, những tư tưởng về chính sách đối với nhà giáo đến một lúc nào đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành các quy tắc, luật.
“Chúng ta đi từ tư tưởng, nhận thức, thái độ đến hành động cụ thể. Khi có luật sẽ chi phối hành động cụ thể. Vì vậy, việc cho ra đời một đạo luật về nhà giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội không chỉ với hiện tại mà với cả tương lai” – PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nhấn mạnh.
Nhìn nhận Luật Nhà giáo là luật khó, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, Luật này điều chỉnh đối tượng là nhà giáo, mà trong đời sống xã hội nhà giáo có muôn vàn các mối quan hệ xã hội khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Vì vậy, luật này không chỉ điều chỉnh hoạt động nghề nghiệp nhà giáo, mà còn chạm đến nhiều mối quan hệ xã hội khác. “Vậy, làm thế nào để tạo được sự đồng thuận, làm thế nào để có được cái nhìn đa chiều? Đó là câu hỏi khó với những người biên soạn dự án Luật Nhà giáo” – PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nêu vấn đề.
Hiện, các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên và bản thân các nhà giáo trong các trường sư phạm cũng là nhà giáo. Từ thực tế này, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tiếng nói của các nhà giáo trong trường sư phạm vừa với tư cách là đối tượng điều chỉnh, vừa với tư cách là một nhà khoa học, sẽ có cách nhìn và những dự báo vượt trước hiện tại. Điều đó có ý nghĩa lâu dài với nhà giáo.
Kiến tạo môi trường pháp lý để phát triển nhà giáo
Nhắc lại quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo của Ban Soạn thảo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho hay, dự thảo luật được xây dựng với quan điểm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo;
Đặc biệt là quan điểm: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục". Qua đó, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục; trong đó có nhà giáo.
Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm. |
Luật Nhà giáo phải kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo. Điều chỉnh các vấn đề về nhà giáo nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.
Ngoài ra, luật sẽ quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới (nhất là trí tuệ nhân tạo) để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Ông Vũ Minh Đức phát biểu tại tọa đàm. |
Cũng theo ông Vũ Minh Đức, Luật Nhà giáo phải đảm bảo sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập. Xây dựng chính sách bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, an sinh và môi trường làm việc.
Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, xã hội hóa; đồng thời đảm bảo xây dựng theo hướng cụ thể, chi tiết, hạn chế tối đa việc phải ban hành các văn bản hướng dẫn để Luật có thể nhanh chóng, dễ dàng đi vào cuộc sống.
Tại tọa đàm, ông Vũ Minh Đức mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận một số nội dung như: sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo; quy định về nhà giáo nói chung và nhà giáo trong cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng; các hoạt động về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, quy định về nhà giáo nước ngoài vào học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… ở Việt Nam.