Luật nhà giáo không phải là phép cộng của các văn bản

GD&TĐ - Luật nhà giáo không phải là phép cộng của các văn bản đã ban hành, mà phải trở thành bộ Luật tác động tới đội ngũ nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo - chiều 17/5.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo - chiều 17/5.

Nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục

Phát biểu tại Tọa đàm với các cơ quan báo chí về dự án Luật Nhà giáo (chiều 17/5), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, Ban soạn thảo đã tổ chức hơn 100 cuộc họp chuyên môn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia và nhiều đối tượng, thành phần khác nhau.

Cùng với đó, tổ chức khảo sát, lấy ý kiến hơn 600 nghìn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp để phân tích, đánh giá nhằm hoàn thiện các chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội. Đến thời điểm này đã đủ điều kiện đăng tải dự thảo Luật Nhà giáo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Tọa đàm.

“Theo chỉ đạo của Chính , trong quá trình xây dựng dự thảo luật, cần lấy ý kiến rộng rãi của dư luận, để khi trình Quốc hội được đồng thuận và thông qua. Quan trọng nhất là, khi Luật được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng được mục đích, yêu cầu của ban chỉ đạo, Ban soạn thảo đối với Luật nhà giáo”, Thứ trưởng chia sẻ.

Khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới giáo dục, Thứ trưởng nhìn nhận, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định tới chất lượng giáo dục. Đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới đội ngũ này.

Xây dựng Luật Nhà giáo hơn 10 năm nay, bắt đầu từ năm 2015 đã có những đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng cho hay.

Đặc biệt, trong 2 năm qua (2022-2023), Bộ GD&ĐT xác định, xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng. Trong quá trình xây dựng, Bộ GD&ĐT tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ GD&ĐT đã đánh giá, tổng kết những văn bản quy phạm pháp luật để tìm ra những “điểm nghẽn”. Trên cơ sở đó, đề xuất và xây dựng những chính sách mới khả thi; đồng thời học tập kinh nghiệm của quốc tế để xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Ban soạn thảo cũng đánh giá tác động của các chính sách, của Luật khi được ban hành.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo

Thứ trưởng cho hay, đến thời điểm này, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất cao một số nội dung trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo đó, thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo, bởi hiện có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo nên cần được luật hóa. Việc này không phải là phép cộng của các văn bản đã ban hành, mà phải trở thành một bộ Luật để tác động tới đội ngũ nhà giáo.

Cũng theo Thứ trưởng, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với quan điểm xây dựng Luật. Ngoài những nội dung bám sát quan điểm, đường lối, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, quan điểm cốt lõi là xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trao đổi về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được đề xuất trong dự thảo luật, Thứ trưởng nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo, mà là để phát triển nhà giáo.

Tùy theo nhu cầu và năng lực, mỗi nhà giáo có thể có nhiều chứng chỉ hay hơn một chứng chỉ. Khi có chứng chỉ hành nghề và đầy đủ điều kiện, thì nhà giáo dạy ở cấp học mầm non, tiểu học hoặc cấp học cao hơn và ngược lại. Đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.

Thứ trưởng cho biết, các cấp cũng thống nhất cao với ban soạn thảo về 5 chính sách được đề xuất trong dự thảo luật, gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại tọa đàm.

Thứ trưởng lưu ý, Luật Nhà giáo ban hành những vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất. Tuy nhiên, sẽ còn có những văn bản dưới luật là nghị định, thông tư. Do đó, Ban soạn thảo càng cần ý kiến đóng góp của xã hội. “Do đó, khi Luật được ban hành, cần xây dựng những văn bản dưới luật ra sao, hoặc tiếp tục bổ sung những nội dung nào? – Thứ trưởng đặt vấn đề.

Nhắc Nghị quyết 95 của Chính phủ xác định, xây dựng Luật Nhà giáo là cấp thiết, cần thiết, quan trọng, Thứ trưởng đồng thời chia sẻ, đây là dự án luật mới, khó và lần đầu tiên được xây dựng, không phải là luật sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, hiện có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo.

Luật Nhà giáo còn liên quan tới những bộ Luật khác như: Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Lao động, Luật Bảo hiểm… nên xây dựng Luật Nhà giáo để không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật hiện hành là bài toán khó. Bên cạnh đó, đối tượng nhà giáo rất rộng ở các cấp học, vùng miền và các loại hình khác nhau.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thêm nhiều hội nghị, hội thảo và tổng hợp lại ý kiến thành những nhóm vấn đề, Thứ trưởng chia sẻ. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, đánh giá, phân tích và điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn và đáp ứng được mong mỏi của hơn một triệu giáo viên hiện nay, cũng như đội ngũ lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ