Giáo dục sau 5 năm đổi mới căn bản, Bộ GD&ĐT thông tin về SGK mới

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Theo Dân trí, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, ngành Giáo dục đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đổi mới GDĐT đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Những con số ý nghĩa được bài báo đưa ra như: năm 2017, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tổng số đã có trên 67% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương;

Trong 5 năm trở lại đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục duy trì ở mức cao;

Lần đầu tiên Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đại học quốc tế, hai Đại học Quốc gia nằm trong nhóm 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng đại học QS World (thế giới có hơn 21000 trường đại học). Ngoài ra, cũng đã có 3 trường đại học khác đạt mức 3 sao, 1 trường đạt mức 4 sao theo chuẩn gắn sao đại học thế giới (QS Star Rating)…

Trong báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương”, năm 2018 của Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục đổi mới hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc.

Bài báo “Nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT” trên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định giáo dục Việt Nam sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Theo đó, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng lên, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được triển khai hiệu quả.

Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện và có nhiều chuyển biến tốt. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển rõ rệt, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới...

Việc đổi mới chính sách sử dụng nhân lực bước đầu đạt được một số kết quả. Chất lượng đội ngũ giáo viên và CBQL giáo dục các cấp được nâng lên, chuẩn hóa; ban hành chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ để địa phương rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục hiện có; từ đó, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục theo chuẩn quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT…

Sắp tới học sinh sẽ có sách giáo khoa phiên bản điện tử miễn phí. Ảnh: Đào Ngọc Thạch/báo Thanh niên
Sắp tới học sinh sẽ có sách giáo khoa phiên bản điện tử miễn phí. Ảnh: Đào Ngọc Thạch/báo Thanh niên

Bộ GD&ĐT thông tin về SGK mới

Báo Thanh niên dẫn giải trình về chương trình - SGK mới của Bộ GD&ĐT. Theo đó nêu rõ: “Theo quy định của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì biên soạn một bộ SGK. Sau khi biên soạn, bộ SGK do Bộ chủ trì sẽ được công bố công khai, bao gồm phiên bản sách điện tử để giáo viên, học sinh (HS) sử dụng rộng rãi, bình đẳng”.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết sau khi ban hành chương trình GDPT mới, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về lộ trình áp dụng trong thời gian quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của QH, đồng thời đảm bảo chất lượng CT-SGK mới cùng với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công khi triển khai áp dụng.

Thông tin trên từ Bộ GD&ĐT cũng được nhiều báo chí trích dẫn. Trong đó có nội dung, nhằm bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa SGK (sách in) do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn với các SGK khác, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án cụ thể về giá SGK. Khi biên soạn SGK mới, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các nhà xuất bản tham gia làm SGK và các sở GD&ĐT hướng dẫn, tập huấn giáo viên về việc sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, bảo quản bảo đảm SGK được sử dụng nhiều lần, tránh lãng phí.

Về lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông, để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng độc quyền khi có nhiều SGK, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng giao quyền lựa chọn cho cơ sở giáo dục phổ thông trên cơ sở nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh; quy định cụ thể trách nhiệm của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trong việc quản lý việc lựa chọn, sử dụng SGK; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lựa chọn của học sinh, cha mẹ học sinh.

Nguyễn Thị Bạch Dương - học sinh lớp 8A (năm học 2017-2018), trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương
Nguyễn Thị Bạch Dương - học sinh lớp 8A (năm học 2017-2018), trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương 

Nữ sinh tỉnh lẻ giành giải 3 viết thư UPU quốc tế

Sau khi giành giải nhất quốc gia và đại diện Việt Nam tại cuộc thi tầm quốc tế, bức thư của em Nguyễn Thị Bạch Dương - học sinh lớp 8A (năm học 2017-2018), trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương vừa vinh dự giành giải Ba cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 47.

Hóa thân thành biên tập viên báo The Sun của Mỹ viết trả lời một độc giả 8 tuổi cho câu hỏi “Ông già Noel có thực không?”, bức thư của Bạch Dương được đánh giá rất tự nhiên, sáng tạo và giàu tính nhân văn. Nhờ đó giành huy chương đồng chung cuộc.

Đây là lần thứ hai, trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương có học sinh đoạt giải quốc tế. Và đây cũng là lần thứ 14, học sinh Việt Nam đoạt giải quốc tế sau 28 lần tham gia cuộc thi.

Năm 2019, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 48 sẽ có chủ đề: "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Tiếng Anh: Write a letter about your hero). Trong thông báo của mình tới các quốc gia thành viên, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 năm 2019 là một "chủ đề truyền cảm hứng".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.