Chuyến biến từ nhận thức đến hành động
Từng là cán bộ quản lý giáo dục, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nhận xét: Thời gian qua, giáo dục đã có nhiều đổi mới và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì chất lượng giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đại biểu Lê Tuấn Tứ dẫn giải: Ngay tại tỉnh Khánh Hòa, từ Sở GD&ĐT, cho đến các Phòng GD&ĐT và các đơn vị trường học đã chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, quản lý và đội ngũ giáo viên. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên đã đạt chuẩn nhà giáo. Mặt khác, công tác bồi dưỡng cũng được đổi mới. Nếu như trước đây, tập huấn thường tổ chức theo hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo thì nay công tác tập huấn được thực hiện theo các chủ đề với các mô đun gắn với thực tế, gắn với những gì mà các địa phương, cơ sở giáo dục đã, đang và sẽ diễn ra.
Tôi cũng được biết, đối với cấp học phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học, đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Đặc biệt qua tìm hiểu được biết, hầu hết các địa phương, các nhà trường đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.
Cũng theo ông Lê Tuấn Tứ, Nghị quyết 29 như một luồng gió mới làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của đội ngũ giáo viên. Trước đây, giáo viên thường thụ động, ngại đổi mới thì nay họ đã chủ động thay đổi tư duy, tiếp cận với cái mới. “Qua kiểm tra giám sát ở tỉnh Khánh Hòa cho thấy, ở hầu hết các trường, giáo viên đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, chủ động thiết kế bài giảng của mình theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Nhiều giáo viên còn tâm huyết viết sáng kiến kinh nghiệm, với những dự án dạy - học theo hướng tích hợp liên môn. Nói chung phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy - học đã lan tỏa đến từng nhà giáo và đến từng cấp học, trường học” - ông Lê Tuấn Tứ nhấn mạnh.
|
Một trong những điều mà ông Lê Tuấn Tứ tâm đắc nhất đó là, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục nhiều hơn và coi việc “đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ngay tại Khánh Hòa, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để phát triển sự nghiệp giáo dục.
Theo đó, cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khang trang, sạch đẹp hơn. Riêng đối với bậc mầm non, tỉnh đã đầu tư hơn 600 tỷ để xây dựng các trường học. “Với những gì mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã và đang quan tâm, đầu tư cho giáo dục thì tới đây Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới chính thức được triển khai áp dụng, ngành Giáo dục Khánh Hòa có thể yên tâm đón nhận và thực hiện” - ông Lê Tuấn Tứ nhận định.
Đổi mới toàn diện
Bà Tăng Thị Ngọc Mai - đại biểu Quốc hội đoàn Trà Vinh cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ở tất cả các bậc học đều có chuyển biến rõ nét. Đơn cử như đối với bậc học mầm non, Nghị quyết 29 là cơ sở nền tảng để bậc học này thay đổi trên mọi phương diện. Cụ thể đến nay 100% các tỉnh, thành phố đã phổ cập mầm non 5 tuổi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học được đầu tư khang trang, mạng lưới trường lớp được quy hoạch bài bản, khoa học. “Ngay tại tỉnh Trà Vinh, đến nay hầu hết các trường đã được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang sạch đẹp” - bà Tăng Thị Ngọc Mai cho biết.
|
Cũng theo bà Tăng Thị Ngọc Mai, một trong những điểm nổi bật nhất đó là, các trường đã chủ động, tích cực đổi mới và thực hiện giáo dục, chăm sóc trẻ theo mô hình “lấy trẻ làm trung tâm”. Từ đó, đội ngũ giáo viên đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, kỹ năng cho trẻ. Nhiều giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục và trò chơi cho trẻ để các con được phát triển toàn diện.
Cho rằng ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển động tích cực, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT mang tính dài hơi. Sau 5 năm triển khai thực hiện, ngành Giáo dục đã có những thay đổi lớn và được quan tâm sâu sắc hơn. Nét nổi bật đó là, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đội ngũ giáo viên đã có những thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hiện nay, chúng ta đang sửa đổi Luật Giáo dục và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đã rất tích cực, chủ động trong việc này và rất đáng được ghi nhận. Việc sửa Luật là rất cần thiết để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với Nghị quyết 29 và đổi mới hệ thống quản lý, tổ chức trong giáo dục.
Dự thảo Luật cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Giáo dục mở, sự liên thông của hệ thống giáo dục, phân luồng, miễn học phí cho học sinh mẫu giáo 5 tuổi và học sinh THCS, nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non lên cao đẳng... Tất cả những vấn đề này cho thấy sự vận động không ngừng của giáo dục. Mục đích cuối cùng là để giáo dục ngày càng phát triển và bắt nhịp với xu hướng hội nhập quốc tế.