Thầy cô mong mỏi Luật Nhà giáo sớm được thông qua

GD&TĐ - Sau kết luận của Thủ tướng về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, nhiều giáo viên đã rất vui mừng và mong Quốc hội sớm thông qua.

Tiết học của học sinh Trường chuyên biệt Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM)
Tiết học của học sinh Trường chuyên biệt Bình Tân (quận Bình Tân, TPHCM)

Khi Luật Nhà giáo được thông qua với những quy định mới về lương, phụ cấp sẽ tạo cơ hội cho thầy cô yên tâm hoạt động nghề nghiệp, cống hiến.

Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo

Cô Phan Hải Yến, giáo viên một trường THCS công lập trên địa bàn quận 12, TPHCM cho biết, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là khi triển khai Chương trình GDPT 2018, giáo viên có thêm nhiều áp lực bởi sự kỳ vọng lớn của xã hội, phụ huynh. Trong khi đó, đời sống giá cả leo thang, lương chưa tăng giá đã tăng, cuộc sống gia đình khó bảo đảm để thầy cô yên tâm đứng lớp.

Theo cô Yến, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người. Vì vậy, điều kiện làm việc của nhà giáo cần có sự sáng tạo, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng đối với nhà giáo cũng cần có quy định riêng, tương xứng với vị thế và đặc thù lao động sư phạm.

Thực tế thời gian qua, dù đã được quan tâm nhưng các chính sách tiền lương đối với nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù lao động nghề nghiệp nên chưa tạo động lực để nhà giáo gắn bó với nghề. Trong những năm gần đây nhiều giáo viên đã chuyển nghề là minh chứng cho vấn đề này. Vì vậy, nếu Luật Nhà giáo được ban hành với những điều chỉnh về lương, chính sách đối với nhà giáo thì có thể phần nào giúp cô Yến cùng các đồng nghiệp của mình thêm yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Thầy Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TPHCM) chia sẻ, bản thân rất vui mừng nếu có Luật Nhà giáo. Bởi nếu có luật thì tất cả sẽ hết sức rõ ràng. Người giáo viên hành nghề đứng lớp biết rằng luật pháp thế nào và bảo vệ mình ra sao. Cho nên chắc chắn đội ngũ giáo viên và những người công tác trong ngành giáo dục đều mong muốn Luật Nhà giáo sẽ sớm được thông qua, để các thầy cô an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

“Trên thực tế nếu chỉ dừng lại ở Thông tư, Nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết hết nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản. Vì thế có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết được những vướng mắc trên, đồng thời bảo đảm quyền lợi giáo viên”, thầy Điệp chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo thầy Điệp, nếu có Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, trong đó có vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, tình trạng thừa, thiếu giáo viên… và chế tài xử lý khi nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, sẽ đáp ứng mong mỏi của đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm trong ngành Giáo dục nói chung.

Giờ học của trẻ mầm non Trường Ngôi Sao Sáng, TP Thủ Đức, TPHCM.

Giờ học của trẻ mầm non Trường Ngôi Sao Sáng, TP Thủ Đức, TPHCM.

Mong được thông qua

Cô Phan Hải Yến cho biết, bản thân vô cùng vui mừng khi Chính phủ đã thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Luật Nhà giáo do Bộ GD&ĐT trình có nhiều chính sách thiết thực, nhất là chính sách về tuyển dụng, đãi ngộ nhà giáo.

“Tôi rất tâm đắc với đề xuất về chính sách tiền lương cho giáo viên. Theo đó, đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập, tiền lương phải được xếp hệ số cao nhất trong thang bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức. Thực sự tôi và các giáo viên đều mong đề xuất này sẽ được cụ thể hóa trong Luật Nhà giáo tới đây và sớm được Quốc hội xem xét, cho ý kiến thông qua. Từ đó giúp đội ngũ yên tâm công tác, tận tâm, tận hiến với sự nghiệp trồng người”, cô Yến nói.

Cô Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM) công tác trong môi trường ngoài công lập. Vị Hiệu trưởng này cho biết, các quy định hiện hành, trong đó có Luật Viên chức chủ yếu đề cập đến đội ngũ nhà giáo trong môi trường công lập. Trong khi đó, các chính sách đối với nhà giáo công tác trong cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức.

Vì thế cô Trâm mong mỏi Luật Nhà giáo sớm được ban hành nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập. “Tôi và các giáo viên đều rất vui mừng và mong những đề xuất của Bộ GD&ĐT sớm thành hiện thực, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo. Tôi cũng tin tưởng rằng Luật Nhà giáo ra đời sẽ cải thiện được chế độ và tạo động lực để giáo viên tiếp tục đam mê với nghề, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục”, cô Trâm chia sẻ.

Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ, tính đến cuối năm học 2021-2022, toàn quốc có khoảng 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Bên cạnh đó, có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.