Nguyên tắc, kế hoạch phát triển đào tạo và dự toán ngân sách đào tạo năm 2020 phải kết hợp chặt chẽ, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Bộ, ngành. Kế hoạch phải dựa trên quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực của ngành; bao quát, khả thi, gắn với nguồn lực để thực hiện, là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước về GD&ĐT.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành; nâng cao tính dự báo, những cơ hội, thách thức đối với sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực. Kế hoạch phải được triển khai xây dựng đồng bộ, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan; bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình trong phân bổ các nguồn lực.
Thực hiện đổi mới công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và những ngành, nghề cần thu hút người học; tăng cường xã hội hóa GD&ĐT.
Về nội dung: Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của Bộ, ngành đặt ra trong kế hoạch năm 2019 và giai đoạn 2016-2020, xác định các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch theo từng nội dung. Các chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng theo chỉ tiêu đầu vào, chỉ tiêu đầu ra, chỉ tiêu kết quả và theo nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi, cụ thể, đánh giá được, có khung thời gian thực hiện; đi kèm với từng mục tiêu, chỉ tiêu nêu ngắn gọn về bối cảnh, phân tích, cân nhắc để lựa chọn mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đó;
Kế hoạch tuyển mới đào tạo: Căn cứ vào các tiêu chí, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định hiện hành. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ/ngành tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT đề nghị các Bộ/ngành chỉ đạo các cơ sở đào tạo trực thuộc thực hiện giảm chỉ tiêu đối với các ngành có dấu hiệu dư thừa nhân lực; thực hiện chuyển đổi mô hình đào tạo từ phát triển quy mô, số lượng sang chất lượng, hiệu quả; đào tạo gắn với quy hoạch nhân lực của Bộ/ngành và xã hội…
Để xây dựng và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 các Bộ, ngành cần xây dựng các giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với đặc điếm của Bộ, ngành, cụ thể như sau:
Huy động và sử dụng có hiệu quả các điều kiện thực hiện kế hoạch: đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; các nguồn lực tài chính;
Giải pháp về tổ chức quản lý (tổ chức, chỉ đạo, điều hành, phối hợp liên ngành và kiểm tra, giám sát việc thực hiện);
Về xã hội hoá công tác đào tạo: đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát triển GD&ĐT…