Tại buổi làm việc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp rất tâm huyết với việc phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).
Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến việc xin chủ trương đầu tư; miễn giảm thuế, tiền sử dụng đất; các quy định về xây lại chung cư cũ…
Nhìn nhận thủ tục thực hiện một dự án NƠXH quá mất thời gian, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, cho biết: Bình quân một dự án NƠXH khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến lúc kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện.
“Thời gian để thực hiện các thủ tục quá dài trong khi lợi nhuận định mức của dự án NƠXH tối đa 10%, mức lợi nhuận này thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm, do đó khi hoàn thành dự án, doanh nghiệp không còn lợi nhuận. Điều đó là nguyên nhân chính hạn chế các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào thị trường này” - ông Nghĩa nói.
Trước những vướng mắc trên, đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM và các doanh nghiệp kiến nghị Đoàn ĐBQH có ý kiến điều chỉnh một số quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Nhà ở và các văn bản dưới luật. Đồng thời, kiến nghị TP chủ động sửa đổi các vấn đề vướng mắc nằm trong thẩm quyền của TP để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn đúng mức, hưởng chính sách đúng luật.
Liên quan đến quy trình thủ tục đầu tư dự án NƠXH, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho hay: Hiện nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đối với loại hình nhà ở này và đã trình UBND TPHCM xem xét. Khi quy trình này được ban hành, dự kiến thời gian thực hiện thủ tục của các dự án NƠXH sẽ còn khoảng 120 ngày.
Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết: Nguồn lực để thực hiện các dự án nhà ở trong Chiến lược phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030 rất lớn, khoảng 1,52 triệu tỷ đồng. Trong đó, vốn xây dựng NƠXH giai đoạn 2021 - 2025 là 37.700 tỷ đồng, tương tự vốn dành cho việc xây dựng NƠXH giai đoạn 2026 -2030 là 86.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho phát triển nhà ở dự kiến huy động từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, vốn tích lũy của hộ gia đình và các nguồn khác. Riêng phần vốn phát triển NƠXH chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa của doanh nghiệp, tín dụng ưu đãi và khoảng 10% từ ngân sách của TP.
“Giai đoạn 2021 - 2030, TP dự kiến dành khoảng 5.239ha đất để phát triển nhà ở, trong đó đất xây dựng nhà ở thương mại là 4.788ha, NƠXH 451ha. Tuy vậy, để xây dựng hàng trăm triệu mét vuông nhà ở trong 10 năm tới, TP định hướng đẩy mạnh phát triển nhà chung cư, tăng hệ số sử dụng đất quanh khu vực các ga metro để tận dụng hạ tầng, tăng tỉ trọng nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của đối tượng thu nhập thấp” - ông Khiết nói.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM, Trưởng đoàn Giám sát, chia sẻ với các doanh nghiệp về các vướng mắc, khó khăn liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành trong việc phát triển NƠXH.
Đối với những vấn đề còn vướng mắc mà chưa nói hết trong buổi làm việc, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị các đơn vị tiếp tục tổng hợp, gửi bằng văn bản để Đoàn ĐHQH TP tổng hợp, gửi cho Quốc hội nghiên cứu.