Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng "Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vừa có buổi làm việc với Tổ Biên tập xây dựng Đề án về dự thảo lần 1 của Đề án.
Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thường trực Ban Chỉ đạo, sau 10 tháng làm việc khẩn trương, hiệu quả, dự thảo lần 1 "Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã được hình thành.
Sau đây, TTXVN xin giới thiệu về quá trình xây dựng dự thảo Đề án quan trọng này.
Xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì sự trường tồn của đất nước
Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng xác định: "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị". Định hướng chung là: "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững".
Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tháng 5/2021, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng "Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", gồm 21 thành viên, trong đó có 8 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước làm Trưởng ban Chỉ đạo, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chỉ đạo là Ban Nội Chính Trung ương.
Trên tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao, đầu tháng 6/2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp triển khai Quyết định của Bộ Chính trị, Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quán triệt: "Đây là Đề án hết sức quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cũng như phải đảm bảo phục vụ điều hành đất nước phát triển tốt nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân…". Tháng 7/2021, Ban Chỉ đạo đã tổ chức Phiên họp đầu tiên, thống nhất ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án để phân công nhiệm vụ và xác định lộ trình thực hiện, thành lập Tổ Biên tập xây dựng Đề án để huy động các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kiến thức, kinh nghiệm sâu rộng về nhà nước pháp quyền trong cả nước tham gia xây dựng Đề án.
Vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây nên, Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công ba cuộc Hội thảo quốc gia, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành viên Ban Chỉ đạo. Hội thảo lần thứ nhất, diễn ra tại Hà Nội, ngày 11/12/2021 về "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; Hội thảo lần thứ 2, tại Đà Nẵng, ngày 17/1/2022 về "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" và Hội thảo tại lần thứ 3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/3/2022 về "Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Các cuộc Hội thảo Quốc gia, như Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc khẳng định, đã được tổ chức: "trên tinh thần thật thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn.., với các đề xuất đột phá có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới", tập hợp được nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc được đúc kết từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là nguồn dữ liệu, kiến thức phong phú, có giá trị về cả thực tiễn và lý luận để Tổ Biên tập xây dựng dự thảo lần 1 của Đề án. Theo PGS.TS. Hoàng Thế Liên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp: "Các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận sâu sắc, thẳng thắn các chủ đề hội thảo. Các Hội thảo cũng đã khởi động và kích hoạt tư duy của xã hội để góp phần xây dựng Đề án". GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá các Hội thảo: "đã làm rõ được những thành tựu và xác định được những vấn đề cốt lõi, mang tính chiến lược, đột phá trong tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam".
Thực hiện phân công của Ban Chỉ đạo, từ tháng 7/2021, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân Tối cao, Ban Cán sự Đảng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Đảng uỷ Công an Trung ương, Quân uỷ Trung ương, một số cấp uỷ, tổ chức đảng khác và các cơ quan nghiên cứu lý luận ở Trung ương đã khẩn trương xây dựng 27 báo cáo chuyên đề phục vụ xây dựng Đề án. Các cơ quan, tổ chức đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận, toạ đàm, cuộc họp lấy ý kiến để huy động sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến trên từng lĩnh vực cụ thể. Đến cuối tháng 3/2022, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đã tập hợp được hơn 4.000 trang tài liệu từ kết quả của ba cuộc Hội thảo quốc gia, 27 báo chuyên đề nhánh.
Kết quả nghiên cứu lý luận, thực tiễn và tổng hợp nội dung của các báo cáo chuyên đề, các cuộc Hội thảo quốc gia đã giúp Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đúc rút được những luận điểm rất quan trọng, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án. Như khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trong phát biểu tổng kết Hội thảo quốc gia lần thứ 3, tại Thành phố Hồ Chí Minh: "Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của nhà nước. Từ đó hình thành nên quan điểm: "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân".
Quá trình đó, "phải dựa trên tư duy biện chứng, lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng dân chủ, pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh; kế thừa, phát huy nội lực và thành tựu đã đạt được của sự nghiệp đổi mới trong hơn 35 năm qua; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới; có lộ trình, bước đi phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn". Khẳng định "xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, là chủ trương nhất quán, đúng đắn của Đảng, là nguyện vọng, sự lựa chọn của nhân dân, là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện"
Sau hơn 10 tháng nỗ lực, cố gắng làm việc, quán triệt yêu cầu xuyên suốt của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là đối với một đề án xây dựng nghị quyết của Đảng là viết sao cho: "nhân dân dễ hiểu, được Đảng chấp nhận, thế giới công nhận, dễ vận dụng và dễ triển khai", Tổ Biên tập xây dựng Đề án cùng Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương Đảng và các chuyên gia, nhà khoa học hình thành nên dự thảo lần 1 "Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" để trình Ban Chỉ đạo theo đúng kế hoạch; nội dung dự thảo Đề án bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước, Hiến pháp năm 2013, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề xuất nhiều điểm mới, có tính đột phá nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian tới.