Hội thảo Quốc gia về Cải cách tư pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền

GD&TĐ - Hội thảo “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” được tổ chức sáng 17/1.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo. 

Sáng 17/1, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,  Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học.

Cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, “xây dựng Chiến lược cải cách tư pháp” là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án, là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay như các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo thứ nhất đã thống nhất. Kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 cho thấy, công tác cải cách tư pháp đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nền tư pháp nước ta đã có bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Kết quả cải cách tư pháp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi hội thảo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi hội thảo. 

Cụ thể như, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư pháp và cải cách tư pháp được nâng lên; Công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật cơ bản đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nguyên tắc đặc thù về tổ chức và hoạt động tư pháp với tư cách là giá trị văn minh trong nhà nước pháp quyền hiện đại được ghi nhận, thể chế hóa và thực hiện; Phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp tiếp tục đổi mới...

“Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại cách hiểu chưa thống nhất về nội hàm tư pháp, quyền tư pháp, cơ quan tư pháp, độc lập tư pháp, kiểm soát quyền lực tư pháp..., Chủ tịch Quốc hội nói.

Về hoạt động thực tiễn, một số nhiệm vụ giải pháp cải cách tư pháp đề ra trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đến nay vẫn được cho là đúng đắn nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng chưa thực sự hiệu quả, nhất là trong cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp…. Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của đất nước đòi hỏi công tác cải cách tư pháp cần phải tiếp tục được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới.

Dự báo đúng tình hình, từ đó cần có những kiến nghị, đề xuất về định hướng, mục tiêu, phương hướng cải cách tư pháp đúng đắn, khá thi; chỉ ra lộ trình thực hiện phù hợp, trong đó phân định rõ những giải pháp đột phá, giải pháp chiến lược về cải cách tư pháp theo các giai đoạn 2021 - 2030 và 2030 - 2045, hướng tới xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Cải cách tư pháp phải được nâng lên tầm cao mới

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao về sự chuẩn bị cho buổi hội thảo, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của các chuyên gia, các cơ quan Trung ương đã nghiên cứu viết bài, phát biểu tham luận tại hội thảo.

Chủ tịch nước cho rằng, các cuộc cải cách tư pháp đã góp phần xây dựng nền tư pháp của nước ta ngày càng hoàn thiện. Nhất là trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. “Mặc dù có những vấn đề bất cập, tuy nhiên có thể khẳng định rằng, cải cách tư pháp của chúng ta bước đầu đã có những tiến bộ”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch nước, cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ 4 đã tác động đến đời sống xã hội, bằng những yêu cầu cấp thiết tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tư pháp Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu này, Đảng và Nhà nước đã đề ra chủ trương quyết tâm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, đúng với giá trị công bằng, công lý, tự do, nhân đạo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là nền tư pháp của nước ta.

“Do vậy, cải cách tư pháp cần phải được tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian đến. Cải cách tư pháp phải được nâng lên một tầm cao mới, đó là yêu cầu khách quan để đảm bảo cho sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch nước khẳng định.

Về trọng tâm của cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho hay, đây là vấn đề được nhiều tham luận và ý kiến thảo luận đề cập rất sâu. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt trọng tâm của cải cách tư pháp lấy Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá.

Một số ý kiến cho rằng, trong Chiến lược cải cách tư pháp mới, cần tiếp tục chọn cải cách Tòa án là khâu đột phá trong cải cách tư pháp. Bởi vì, trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định, là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải, là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước pháp quyền; phán quyết của Tòa án thể hiện chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

“Do đó, trọng tâm của cải cách tư pháp vẫn nên tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của Tòa án đề Tòa án thực sự là trung tâm thực hiện quyền tư pháp”, Chủ tịch nước nói.

Về bảo đảm tính độc lập tư pháp, đây là chuẩn mực chung của nền tư pháp hiện đại, nguyên tắc độc lập tư pháp là yếu tố tất yếu, đặc trưng của nhà nước pháp quyền, gắn với dân chủ, công bằng, công lý…

Nhìn chung, các ý kiến đều thống nhất quan điểm cần phải tiếp tục cải cách tổ chức hệ thống tư pháp và có lộ trình phù hợp, đề bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, cơ quan tham gia hoạt động tư pháp được đặt trong một hệ thống chỉnh thể, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực có hiệu quả trong hoạt động tư pháp.

Cải cách các cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp là một bộ phận không thể tách rời của cải cách tư pháp đề thu hút, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia hoạt động bổ trợ tư pháp, nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý của Nhà nước…

Một số đại biểu đã đưa ra những gợi ý, đề xuất khả chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Đây là những ý kiến rất tâm huyết, rất đáng trân trọng. Qua thảo luận, về cơ bản chúng ta thống nhất một số quan điểm cải cách tư pháp trong thời gian tới.

Cụ thể, thứ nhất, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; phải có quyết tâm chính trị cao đã vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ Nhân dân.

Thứ hai, cải cách tư pháp phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới lập pháp và cải cách hành chính để bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Thứ ba, cải cách tư pháp hướng tới bảo đảm độc lập của tư pháp để bảo vệ, bảo đảm tốt hơn dân chủ, công bằng, công lý, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, thượng tôn pháp luật, ngăn ngừa những tác động không đúng dẫn vào hoạt động tư pháp.

Thứ tư, cải cách tư pháp phải kế thừa những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiến bộ, những kinh nghiệm quý của các quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Thứ năm, cải cách tư pháp phải được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, toàn diện, xác định rõ những nội dung trọng tâm, trọng điểm; có chương trình, kế hoạch, lộ trình cải cách phù hợp; xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện cải cách tư pháp.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu, Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, tiếp thu tối đa các đề xuất, kiến nghị về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp mà các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra để hoàn thiện dự thảo Đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ