Tuyển chọn, phân loại bài tập theo logic nhận thức trong hệ thống bài tập chọn lọc
Thầy Trịnh Thọ Trường cho rằng, lựa chọn, phân loại hệ thống các bài theo chủ đề là một việc khó.
Những bài tập khó đòi hỏi vận dụng nhiều vùng kiến thức (như cơ trong quang, cơ trong điện…). Vậy cần phải có những tìm tòi về phương pháp nhằm xác định những mối liên hệ quan trọng nhất, điển hình nhất và những biểu hiện của chúng trong các bài tập, từ đó xác định loại bài tập xuất phát, số lượng của chúng và trình tự giải.
Kết quả rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo giải bài tập phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn lựa và trình tự sắp xếp các bài tập, nên để học sinh sau mỗi bài tập đều phát hiện ra những cái mới hay nảy sinh những vấn đề mới cần giải quyết tiếp
Bài tập Vật lý nói chung có tác dụng rất lớn về các mặt: giáo dục, giáo dưỡng phát triển tư duy và giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
"Các bài tập trong sách giáo khoa của chúng ta đang còn khác xa với những bài toán mà học sinh sẽ gặp trong cuộc sống.
Do đó, nếu không hiểu thấu đáo và nhất là không quen với việc giải bài tập Vật lý một cách thông minh sáng tạo thì học sinh sẽ khó lòng giải quyết tốt những bài toán trong đời sống khoa học và kỹ thuật" - Thầy Trịnh Thọ Tường.
Các tiêu chí dùng xây dựng hệ thống bài tập
Theo thầy Trịnh Thọ Trường, đặc điểm của học sinh chuyên được thể hiện rõ qua các năng lực hoạt động tư duy, cụ thể như: Ưa tìm tòi, khám phá những tri thức mới; hứng thú với các dạng bài tập mới, với phương pháp giải mới; thích luyện tập, củng cố kiến thức; thích sáng tạo, tìm sự độc đáo trong cách giải; ưa vận dụng tư duy toán học; nhàm chán với những bài tập đơn giản, quen thuộc.
Từ những nguyên tắc chung nêu trên và đặc điểm của học sinh chuyên, thêo Trịnh Thọ Trường cho biết, chúng ta có thể xây dựng hệ thống bài tập chọn lọc nhằm bồi dưỡng năng lực tư duy cho học sinh chuyên phù hợp với thực tế và hệ thống bài tập đó là của riêng mình.
Nhưng cần lưu ý, với mỗi chủ đề, các bài tập cần được sắp xếp theo trình tự: Xuất phát bằng bài tập điển hình; bài tập phát triển dựa trên bài tập xuất phát; lời giải, hướng dẫn giải hoặc đáp số.
Như vậy khi giảng dạy sẽ hiệu quả và tiện lợi hơn, không gây khó đột ngột cho HS dễ dẫn đến trạng thái căng thẳng thiếu tự tin ở học sinh.
Ngược lại nếu gặp học sinh giỏi hơn, ta có thể bỏ qua các bài trung gian, hoặc yêu cầu học sinh tự giải quyết như là bài tập về nhà.
Từ đó, thầy Trịnh Thọ Trường cho rằng, hệ thống các bài tập được lựa chọn cần thỏa mãn các tiêu chí sau:
Tiêu chí 1: Các bài tập phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp về mối quan hệ giữa những đại lượng và khái niệm đặc trưng cho quá trình hoặc hiện tượng, sao cho từng bước học sinh hiểu được kiến thức một cách vững chắc và có kỹ năng, kỹ xảo, vận dụng linh hoạt sáng tạo các kiến thức đó.
Tiêu chí 2: Mỗi bài tập được chọn phải là một mắt xích trong hệ thống kiến thức vật lý, đóng góp được phần nào vào việc hoàn chỉnh các kiến thức của học sinh, giúp họ hiểu được mối liên hệ giữa các đại lượng, cụ thể hoá các khái niệm…
Tiêu chí 3: Hệ thống bài tập phải giúp cho học sinh có kỹ năng vận dụng toán học tốt để sau này dễ tiếp thu kiến thức các phần mới và có thời gian nhiều hơn dành cho phần bản chất vật lý của các bài tập phải giải quyết.
Tiêu chí 4: Hệ thống bài tập phải đảm bảo được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập.
Tiêu chí 5: Hệ thống các bài tập được chọn lọc phải giúp cho học sinh nắm được phương pháp giải từng loại, dạng cụ thể.
Tiêu chí 6: Hệ thống bài tập phải giúp học sinh tự tìm ra vấn đề mới, nảy sinh từ những BT đã làm, để từ đó tự tìm tòi nghiên cứu nhằm đạt đến mức cao hơn về nhận thức.
Tiêu chí 7: Nội dung bài tập phải phù hợp yêu cầu ngày càng cao của các kì thi HS giỏi, nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với thời gian học tập của học sinh ở lớp và ở nhà.
Với cách làm như trên, thầy Thọ đã xây dựng được một hệ thống bài tập riêng, vận dụng trong giảng dạy đạt được kết quả nhất định.
Xem minh họa một chủ đề bài tập khó, phần điện từ trong chương trình chuyên mà thầy Thọ đã sử dụng trong giảng dạy TẠI ĐÂY