Chú trọng thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo
TS Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, cho biết: Với đặc thù các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cấp THCS, THPT, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường tiếp tục chỉ đạo tổ bộ môn, giáo viên tăng cường nghiên cứu, thiết kế chuyên đề dạy học và tổ chức các hình thức dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.
Đặc biệt, dành thời lượng thỏa đáng cho các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chú trọng hướng dẫn học sinh rèn luyện các kỹ năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức, bồi dưỡng năng lực tự học; bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học sinh thông qua các hoạt động học tập trong và ngoài lớp học dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên; khắc phục lối truyền đạt áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.
Việc tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực học sinh cũng vô cùng quan trọng nhằm tạo điều kiện cho học sinh định hướng học tập phù hợp với năng lực của mình. Bên cạnh đó là xây dựng tài liệu dạy học đáp ứng các yêu cầu bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Chất lượng thực hành là một yêu cầu không thể thiếu trong dạy học các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Do đó, theo TS Nguyễn Văn Huấn, để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn, Sở GD&ĐT nhấn mạnh yêu cầu chú trọng thực hành trong giờ chính khóa, bảo đảm cân đối giữa truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tổ chức các hoạt động học sử dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Đồng thời, tăng cường khai thác có hiệu quả phòng thí nghiệm, thực hành, các phương tiện dạy học, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ đổi mới việc lựa chọn, thiết kế nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học.
“Các nhà trường phải tham gia có hiệu quả “Trường học kết nối” qua tài khoản đã được nhà trường cấp trong năm học 2014 - 2015; hưởng ứng các cuộc thi Dạy học các chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học, Sáng tạo khoa học kỹ thuật, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học... để tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao năng lực dạy học và giáo dục học sinh” - TS Nguyễn Văn Huấn lưu ý thêm.
Vận dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra, đánh giá
Năm học 2015 - 2016, Sở GD&ĐT Bến Tre yêu cầu các nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc biên soạn đề kiểm tra các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học theo ma trận do Bộ GD&ĐT hướng dẫn; tiếp tục xây dựng hệ thống ngân hàng đề kiểm tra ba bộ môn này, đăng tải trên website các trường THCS, THPT và các Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để giáo viên và học sinh tham khảo.
Nhấn mạnh việc vận dụng linh hoạt các hình thức và xác định rõ yêu cầu về kiểm tra, đánh giá phù hợp với thời lượng và tính chất đề kiểm tra, theo TS Nguyễn Văn Huấn, nội dung kiểm tra, đánh giá cần dựa vào chuẩn kiến thức kỹ năng, tăng cường kiểm tra kiến thức ở các mức độ hiểu và vận dụng kiến thức. Giáo viên một mặt tăng cường rèn luyện cho học sinh kỹ năng làm bài kiểm tra, mặt khác chú trọng khâu nhận xét, đánh giá kết quả học tập của học sinh sau kiểm tra.
“Chúng tôi cũng đã quy định rõ, hình thức kiểm tra là kiểm tra tự luận, kiểm tra trắc nghiệm hoặc phối hợp trắc nghiệm với tự luận. Riêng lớp 12 sử dụng chủ yếu hình thức kiểm tra trắc nghiệm. Riêng kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 và lớp 12, triển khai thi nội dung khai thác các thí nghiệm, thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học” - TS Nguyễn Văn Huấn cho biết.
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ bộ môn
Theo TS Nguyễn Văn Huấn, để nâng cao chất lượng dạy học, cần nghiêm túc xây dựng kế hoạch dạy học trong năm học của tổ bộ môn; xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện, tiến độ thực hiện, phân công nhiệm vụ... một cách cụ thể, khoa học, bảo đảm tính phù hợp, tính khả thi.
Các giáo viên Bến Tre được yêu cầu thảo luận tiêu chí phân tích đánh giá giờ dạy/chuyên đề dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng để tổ chức các hoạt động học, phân tích hiệu quả hoạt động học của học sinh, đánh giá việc tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học cho học sinh của giáo viên.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, Sở GD&ĐT Bến Tre cũng yêu cầu, trong năm học này, giáo viên cần đa dạng hóa các phương thức trao đổi, thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo để định hướng, hình thành ý tưởng nghiên cứu khoa học cho học sinh.
Bên cạnh đó, thống nhất tổ chức thực hiện những nội dung mới và khó; xây dựng các chuyên đề tích hợp, liên môn; bồi dưỡng phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, phương pháp soạn đề kiểm ta, đánh giá. Đẩy mạnh hoạt động viết sáng kiến, hoạt động nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
Nghiêm túc thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục
“Tổ chuyên môn cần rà soát, điều chỉnh phân phối chương trình chi tiết trên cơ sở đảm bảo thời gian kết thúc học kỳ I, kết thúc năm học thống nhất trên toàn tỉnh; có đủ thời lượng dành cho luyện tập, thực hành, ôn tập và kiểm tra định kỳ, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường.
Nội dung dạy học bám sát vào chuẩn kiến thức, kỹ năng, kết hợp với sách giáo khoa và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT.
Riêng Trường THPT chuyên Bến Tre được yêu cầu xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học chương trình chuyên sâu đối với môn chuyên Vật lý, Sinh học, Hóa học theo quy định của Bộ GD&ĐT”. - TS Nguyễn Văn Huấn