Hỗ trợ kinh phí cho giáo viên chủ nhiệm
Thầy Nguyễn Đình Bảy – Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa), cho biết: Để giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi từ đầu năm học.
Từ thời điểm đầu tháng Tư, nhà trường bắt tay vào giai đoạn ôn thi “tăng tốc” cho học sinh khối 12. Theo kế hoạch, các thầy, cô giáo sẽ chia thời gian để tập trung ôn luyện cho học sinh (HS) cho tới gần sát ngày diễn ra kỳ thi.
“Nhà trường tổ chức khảo sát nguyện vọng của HS, để phân nhóm tổ chức ôn thi sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường cũng xác định việc ôn thi phải theo phương châm “học đến đâu chắc đến đó”. Giáo viên (GV) bộ môn phải tập trung luyện đề, khắc phục các điểm yếu mà HS đang gặp phải”, thầy Bảy cho hay.
Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, sau khi có kết quả kỳ thi thử tốt nghiệp THPT lần 1 (do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức), Ban giám hiệu và GV trong các tổ chuyên môn phân tích, đánh giá và phân nhóm HS, để có giải pháp giảng dạy, ôn thi phù hợp với năng lực.
“Những HS có học lực khá, ngoài việc gia cố kiến thức vững, nhà trường yêu cầu GV bộ môn xây dựng các chuyên đề nâng cao để các em được cọ sát với các bài tập có sự phân hóa và mang tính vận dụng cao nhiều hơn.
Đối với những em có học lực yếu, thì nhà trường bố trí GV ôn phụ đạo. Bên cạnh đó, nhà trường phối hợp với phụ huynh động viên, trao đổi kết quả học tập của HS để phụ huynh hiểu, đồng hành với học trò, giúp các em tiến bộ, sẵn sàng tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, thầy Bảy thông tin.
Trường THPT Chu Văn An mặc dù đóng trên địa bàn xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn, nhưng là nơi thu hút nhiều HS của cả TP Thanh Hóa và huyện Quảng Xương. Do đó, ngôi trường này hiện có hơn 1.800 HS, là con em của 6 phường, xã phía Tây TP Sầm Sơn, 4 phường của TP Thanh Hóa và có cả HS là người ở các xã Quảng Nhân, Quảng Giao, Quảng Hải, huyện Quảng Xương.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Sầm Sơn, Thanh Hóa) trong giờ học. Ảnh: TL. |
Theo thầy Nguyễn Đình Bảy, do đặc thù là ngôi trường vùng biển thuộc TP du lịch biển Sầm Sơn, nên khi đến kỳ nghỉ hè, có nhiều HS tranh thủ đi làm thêm ở các nhà hàng, khách sạn để giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập. Vì lẽ đó, cũng có nhiều em chểnh mảng trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT.
“Nhằm giúp HS vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới, nhà trường đã lên kế hoạch chi tiết, phân công GV chủ nhiệm khối 12 có trách nhiệm đôn đốc HS tập trung ôn thi. Khi kết thúc năm học, bước vào giai đoạn nghỉ hè, nhà trường sẽ trích kinh phí để hỗ trợ GV chủ nhiệm tuyên truyền, vận động và đốc thúc HS của mình đi ôn thi chuyên cần, đủ sĩ số”.
Cũng theo thầy Bảy, kỳ thi 2021-2022, tỷ lệ đậu tốt nghiệp của nhà trường đạt 100%. “Năm ngoái, tỷ lệ HS của nhà trường đậu tốt nghiệp đạt 100%, nhưng xếp thứ hạng thì mới đạt ở mức 44/88 trường THPT toàn tỉnh về điểm trung bình, mặc dù tỷ lệ đầu vào lớp 10 của nhà trường đạt mức 13/88. Do đó, mục tiêu của nhà trường đặt ra, năm nay sẽ phấn đấu mức xếp hạng cao hơn về điểm trung bình của kỳ thi tốt nghiệp THPT”, thầy Bảy chia sẻ.
Khen thưởng để khuyến khích giáo viên và học trò
Cô Lê Nguyệt Nga – Hiệu trưởng Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sắp tới, nhà trường có 268 HS lớp 12.
Để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho HS trước kỳ thi tốt nghiệp, ngay từ đầu tháng 3 vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức tăng tiết, ôn thi các môn thi tốt nghiệp, được phân chia đều đặn, linh hoạt trong các tuần đối với tất các môn.
Cũng theo cô Nga, việc nhà trường xây dựng ôn thi sớm, là mong muốn giúp HS hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức của các môn trong cả năm học. GV sẽ giúp HS giải quyết tốt những câu hỏi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích đề... tránh được những lỗi cơ bản của bài thi để có những kết quả tốt nhất.
Cùng đó, GV củng cố lại kiến thức nền, tiến hành ôn tập kì thi tốt nghiệp THPT có hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6/2023.
Thầy và trò lớp 12A2, Trường THPT Hà Văn Mao (Bá Thước, Thanh Hóa) trong giờ ôn thi môn Địa lý. Ảnh: TL. |
“Để đạt được kết quả tốt, khi ôn tập, nhà trường chia lớp thành các nhóm nhỏ theo mục đích học và lực học. Phát bài tập cho HS ở mức độ tương ứng. Kết hợp cùng GV chủ nhiệm quản lý ý thức học tập của HS. Khuyến khích, động viên và có yêu cầu nghiêm túc để các em thật sự cố gắng. Chữa bài kết hợp kiểm tra kiến thức HS thông qua nhiều hình thức phong phú.
Tổ trưởng cùng các GV trong nhóm tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm kịp thời cho GV, nắm bắt tình hình học tập của HS. Giáo viên tự xây dựng đề thi thử cho HS của lớp dựa trên cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để giúp các em làm quen với nhiều dạng bài thi. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập của HS sau thời gian ôn tập...”, cô Nguyệt Nga chia sẻ.
Bên cạnh công tác ôn thi cho HS, Trường THPT Hà Văn Mao còn xây dựng cơ chế khen, thưởng cho GV và HS, nhằm động viên khích lệ tinh thần dạy và học trong nhà trường.
Theo đó, Hội đồng nhà trường xây dựng các mức khen, thưởng như: Thưởng cho GV có HS đăng ký xét đại học NV1 theo tổ hợp đạt 27 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mức thưởng: 5 triệu đồng/lượt (có đăng ký chuyên môn nhà trường). Thưởng cho GV có HS đạt điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mức thưởng 1 triệu đồng/điểm 10...
Không chỉ chú trọng vào ôn thi tốt nghiệp, Trường THPT Hà Văn Mao phối hợp với cha mẹ học sinh tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho HS trong việc chọn trường, chọn nghề. Các thầy, cô giáo vấn cho HS về những ngành, nghề ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.
“Học sinh cuối cấp ổn định, vững vàng tâm lý, làm chủ được cảm xúc là điều quan trọng nhất. Do đó nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao nhằm giúp HS giải toả căng thẳng trong quá trình ôn thi tốt nghiệp THPT, nhằm tạo tâm thế thoải mái cho các em khi bước vào kỳ thi”, cô Nguyệt Nga chia sẻ.
Ban giám hiệu Trường THPT Hà Văn Mao giao cho GV bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn thi trên cơ sở kế hoạch của Tổ, Ban chuyên môn trong nhà trường. Làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ HS để cùng nhà trường động viên, nhắc nhở, quản lí quá trình ôn tập của HS đạt hiệu quả cao nhất.
Sau mỗi giai đoạn rà soát, điều chỉnh nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức dạy học để góp phần nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT và chất lượng xét tuyển đại học, cao đẳng năm học 2022-2023.