Trường vùng cao tăng tốc 'vượt vũ môn' thi tốt nghiệp THPT 2023

GD&TĐ - Bên cạnh phân loại năng lực ôn thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường vùng cao còn khích lệ tinh thần để học sinh bứt phá ở kỳ thi 'vượt vũ môn'. 

Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: LT.
Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: LT.

Tăng cường bổ sung kiến thức

Năm học 2022-2023, Trường THCS&THPT Bá Thước, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa), có tổng số 200 học sinh (HS) khối 12. Trong số này, có 2 HS khuyết tật còn lại 195 HS có nguyện vọng thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội, 3 HS thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên.

Công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS cuối cấp được nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai phù hợp theo năng lực của HS và đặc thù của vùng miền.

Cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ tuần trước, nhà trường đã chủ động thi học kỳ 2 đối với những môn đã hoàn thành chương trình nhưng không thi tốt nghiệp THPT cho HS khối 12. Qua đó, dồn sức ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS cuối cấp.

“Bắt đầu từ tuần này, nhà trường tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS lớp 12. Theo kế hoạch, mỗi môn thi sẽ đảm bảo ôn tập với thời lượng 7 tiết mỗi tuần. Đặc biệt, với 3 môn thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, nhà trường tăng cường thời lượng phụ đạo cho HS để củng cố kiến thức”, cô Thu cho hay.

Theo cô Thu, thuận lợi của nhà trường trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT đó là nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa. Cụ thể, hàng tuần giáo viên nhà trường đều nhận được bộ đề thi tham khảo từ các trường THPT trên địa bàn. Đây là nguồn tư liệu dồi dào giúp cô và trò nhà trường ôn luyện, củng cố kiến thức cho kỳ thi “vượt vũ môn” diễn ra sắp tới.

“Nhà trường cũng tiến hành phân loại theo năng lực của HS để có phương pháp ôn tập phù hợp. Đặc biệt, với nhóm HS có lực học yếu sẽ tăng cường phụ đạo để bù lấp lổ hỗng kiến thức”, cô Thu chia sẻ.

Cô giáo Bùi Thị Hằng, giảng dạy tiếng Anh, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Nữ giáo viên thường dành thời gian dậy sớm để chắt lọc kiến thức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Cô giáo Bùi Thị Hằng, giảng dạy tiếng Anh, Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa). Nữ giáo viên thường dành thời gian dậy sớm để chắt lọc kiến thức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12.

Năm học này, cô và trò Trường THCS&THPT Bá Thước đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ HS đậu tốt nghiệp của năm ngoái. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp của ngôi trường vùng cao xứ Thanh này là 96,7%.

Là giáo viên duy nhất giảng dạy môn tiếng Anh tại trường, cô Bùi Thị Hằng (Trường THCS&THPT Bá Thước) không khỏi áp lực, nhất là việc ôn tập cho HS cuối cấp. Năm học này, nữ giáo viên giảng dạy 7 lớp, với tổng thời lượng 21 tiết/tuần, chưa kể thời gian phụ đạo cho HS.

“Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, tôi thường dậy sớm mỗi ngày để đầu tư chuyên môn, chắt lọc kiến thức và đặc biệt ưu tiên cho HS cuối cấp”, cô Hằng bộc bạch.

Theo cô Hằng, đặc thù của HS trường vùng cao là chất lượng đầu vào thấp, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn,... Vì vậy, giáo viên phải phân nhóm HS theo năng lực để có phương pháp giảng dạy phù hợp.

“Có những HS, lượng kiến thức có được còn rất mơ hồ. Vì vậy, giáo viên phải cầm tay chỉ việc cho các em. Phương pháp chủ yếu được chúng tôi áp dụng là ôn theo chuyên đề.

Căn cứ từ đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT, giáo viên sẽ chọn lọc chuyên đề theo mức độ từ dễ đến khó để ôn tập cho HS. Từ đó, giúp các em nắm được kiến thức cơ bản, nhận biết đề thi tốt”, cô Hằng chia sẻ.

Khích lệ tinh thần

Đây là phương pháp của Trường THPT Quan Sơn, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) đối với HS khối 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi “vượt vũ môn” diễn ra sắp tới.

Thầy Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi kết thúc học kỳ 2, HS thường có khuynh hướng rơi vào trạng thái “xuống tinh thần”. Vì vậy, ngoài tăng cường củng cố kiến thức, nhà trường cũng động viên, khích lệ tinh thần để các em có thể bứt phá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Từ sự động viên kịp thời của thầy cô, tinh thần của các em hiện nay khá tốt. Để công tác ôn thi hiệu quả, nhà trường tiến hành phân loại theo nhóm HS. Với HS có nguy cơ trượt tốt nghiệp, nhà trường lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, chủ yếu tập trung vào những câu Nhận biết, Thông hiểu để các em có thể đạt được mức điểm trung bình”, thầy Đạo nói.

Cũng theo thầy Đạo, với nhóm HS có lực học khá, có nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng, nhà trường sẽ tăng thời lượng ôn tập cho HS thuộc nhóm này. Mục đích là giúp các em có thể bứt phá trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó nâng mức điểm trung bình cho toàn trường.

Năm học này, Trường THPT Quan Sơn có tổng số 194 HS khối lớp 12. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường đặt mục tiêu giữ vững tỷ lệ đỗ tốt nghiệp như năm ngoái (97,3%). Dự kiến, cuối tháng 4 này, nhà trường sẽ tổng kết học kỳ 2 đối với những môn không thi tốt nghiệp THPT cho HS khối 12.

Em Ngô Thị Hồng Đan, lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà. Ảnh: LT.

Em Ngô Thị Hồng Đan, lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn dành thời gian ôn tập, củng cố kiến thức tại nhà. Ảnh: LT.

Em Ngô Thị Hồng Đan (lớp 12A1, Trường THPT Quan Sơn) hiện đang tăng tốc cho các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay.

“Em lựa chọn tổ hợp khối C, với những môn sở trường, ngoài chăm chú nghe giảng trên lớp, em dành thời gian luyện đề thật nhiều. Việc này giúp em củng cố, mở rộng và nâng cao kiến thức một cách hiệu quả”, Hồng Đan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.