Xây dựng cơ chế đặc thù: Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn

GD&TĐ - Về Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố, có đại biểu cho rằng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ hơn cho Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế...

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố.

Tránh để xảy ra sự phát triển không đồng đều

Thảo luận trực tuyến về các dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương nói trên, Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) cho rằng, đầu tư phát triển trọng điểm tại các địa phương thí điểm sẽ mang lại hiệu suất phát triển kinh tế cao. Tuy nhiên, việc ban hành các chính sách đặc thù tại các địa phương cần cân nhắc.

Theo đó, đại biểu Định Thị Ngọc Dung nhận định, dịch bệnh COVID-19 diễn biến nhanh, phức tạp đã có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới các trung tâm kinh tế đô thị lớn gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động không nhỏ đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Cũng theo bà Dung, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới đây là đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế toàn diện trên cả nước, trong và sau đại dịch. Điều này không chỉ cho riêng bất kỳ địa phương nào mà ngân sách trung ương đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết tài chính về các địa phương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Cũng theo đại diện đoàn Hải Dương, không nên áp dụng dàn trải ở nhiều địa phương dẫn đến mỗi nơi một chính sách, mỗi thời điểm nhất định cần tập trung vào nơi có tiềm năng hiệu quả cao, sau khi địa phương phát triển thì mới đầu tư các địa phương khác, tránh đầu tư dàn trải.

Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) nhận định, đối với việc thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng. Đây là mô hình mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, có nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn dưới góc độ quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định, chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được trình xin ý kiến Quốc hội từ tháng 10/2017 nhưng phải để lại và cho đến nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, chưa được ban hành.

“Vì vậy, tôi đề nghị phải có sự nghiên cứu hết sức tổng thể về mô hình quản lý cơ chế chính sách đặc thù áp dụng cho khu thương mại tự do, không chỉ riêng cho thành phố Hải Phòng mà còn có thể nghiên cứu để áp dụng ở các địa phương khác, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định theo thẩm quyền” – đại biểu Nguyễn Minh Sơn nhận định.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) cho rằng, thực tế hiện nay trong 4 địa phương thí điểm, chỉ có Hải Phòng là tự cân đối được thu, chi ngân sách và có thể điều tiết về trung ương. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ hơn cho 3 địa phương còn lại thì mới đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu phát triển đặt ra với các địa phương.

Đối với Thanh Hóa, đại biểu Hằng đề nghị rà soát kỹ về cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết, đảm bảo phù hợp với đặc thù của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời đảm bảo tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng cho rằng, chính sách trong dự thảo nghị quyết này chỉ là chính sách thí điểm trong một khoảng thời gian nhất định. Qua đó để có cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng các chính sách thực hiện lâu dài sau này, việc thí điểm tại các tỉnh này cũng thể hiện tại các nghị quyết của Trung ương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.