Thí điểm cơ chế đặc thù: Tạo động lực cho sự phát triển nhanh nhất

GD&TĐ - Thảo luận trực tuyến ngày 27/10, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đồng tình cao việc Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - đoàn Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Thị Lan - đoàn Hà Nội

Đại biểu phân tích, trong quá trình lãnh đạo phát triển đất nước giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước luôn có những thí điểm đi trước thăm dò; trên cơ sở đó tạo ra một thực tiễn tích cực để khái quát hóa, trở thành chủ trương hoàn thiện thể chế. Do vậy, việc ban hành chủ trương cơ chế đặc thù là một trong việc làm bình thường trong quá trình phát triển.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cả 4 địa phương trên đều có Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị cho chiến lược phát triển nhanh từng địa phương, gắn với vùng và toàn bộ đất nước.

Trong đó, phần giải pháp có nói đến việc tháo gỡ cơ chế nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế địa kinh tế, tự nhiên, văn hóa truyền thống, tạo ra động lực cho sự phát triển nhanh nhất. Do vậy, việc Quốc hội ban hành về cơ chế đặc thù là việc cụ thể hóa những chủ trương đó trong quá trình thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị.

Cũng theo đại biểu đoàn Hà Nội, nội hàm quy định về cơ chế tài chính và phân cấp quản lý trong một số trường hợp, lĩnh vực - trên thực tế quy định này không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia (không giảm thu ngân sách của Trung ương, không làm tăng nợ công hay nguy cơ mất ổn định các cân đối vĩ mô).

Về hành chính không làm giảm nguyên tắc quản lý thống nhất, tập trung từ Trung ương đến địa phương, mà chỉ là tạo điều kiện để các địa phương thực hiện nhanh nhất, có trách nhiệm cao nhất các quy trình luật pháp trên địa bàn, từ đó thúc đẩy công việc nhanh chóng đúng theo mục tiêu cải cách hành chính, Chính phủ điện tử cả hệ thống đang triển khai.

“Với những cơ chế quy định này, chắc chắn sẽ khơi thông nguồn lực tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương, mà còn lan tỏa ra cả vùng, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc. Do vậy, thực ra đây là bước nuôi dưỡng nguồn thu, tạo động lực mới” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Cho rằng, quá trình xây dựng cơ chế, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành liên quan thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, đại biểu đoàn Hà Nội cho hay: đã có tiền lệ ở một số địa phương mà Quốc hội đã chuẩn y cho phép thực hiện trước đây.

Do vậy, các tài liệu, hồ sơ, tờ trình của Chính phủ khá rõ, chặt chẽ, nhất là tiếp thu đóng góp ý kiến các cơ quan thẩm định Quốc hội để hoàn thiện bộ hồ sơ báo cáo Quốc hội. “Chính vì thế, chúng tôi bày tỏ sự đồng tình cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này” – đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu ý kiến.

Ngoài 4 tỉnh, thành trên, đại biểu này kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát các địa phương thêm 2 nhóm: Thứ nhất, những tỉnh có điều kiện khai thác ngay tiềm năng lợi thế trên cơ sở có cơ chế đặc thù như 4 tỉnh trên để tạo điều kiện việc thúc đẩy nhanh, đồng bộ bức tranh phát triển 7 vùng kinh tế-xã hội.

Thứ hai, những tỉnh đặc biệt khó khăn để có cơ chế chính sách đặc thù nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương, thực hiện phương châm không vùng nào, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển đất nước mà Đảng, Nhà nước đang tập trung chỉ đạo.

Việc ban hành Nghị quyết phải đi đôi với xây dựng cơ chế giám sát thực hiện, nhằm đảm bảo Nghị quyết đã ban hành phải phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, không chỉ tạo ra động lực mới về vật chất mà con phải tạo niềm tin cho cử tri, uy tín cho Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ