Ngày 22/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã dành một ngày lắng nghe ý kiến chuyên gia trong nước, quốc tế xung quanh việc xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non.
Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định vị trí đặc biệt của giáo viên mầm non trong mối quan tâm của ngành Giáo dục và đưa ra một số lưu ý khi xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.
Điều đầu tiên được Bộ trưởng nhấn mạnh là phải lưu ý đến tính liên ngành, tích hợp khi xây dựng Chương trình giáo dục mầm non. Đây không chỉ thuần túy phục vụ cho chương trình giáo dục mà còn bao gồm cả chính sách về dinh dưỡng, phát triển thể chất, tinh thần, giải pháp về các vấn đề xã hội và các chính sách khác có liên quan.
Điều tiếp theo đặc biệt quan trọng là lưu ý đến tính khả thi của chương trình; để trong điều kiện Việt Nam hiện nay, với sự cố gắng cao nhất, có thể triển khai được trong thực tế.
Khi xây dựng tính đến đặc thù của khu vực khó khăn; nhưng cũng phải căn cứ vào đối tượng là cái chung, phổ biến, phổ quát nhất để xây dựng chính sách.
Bảo đảm thành công của Chương trình, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến vai trò của lực lượng giáo viên; sự chuẩn bị lực lượng giáo viên đủ cả số lượng và chất lượng; tập huấn, đào tạo lại giáo viên; tổ chức đào tạo giáo viên mới tại các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm.
Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam. |
Việc chuẩn bị đội ngũ, chuẩn bị các tài liệu tập huấn giáo viên, không phải đợi chương trình hoàn thành, được ký ban hành mới bắt đầu, mà phải tiến hành ngay trong quá trình chuẩn bị chương trình. Quan tâm, tính đến cơ hội tiếp cận hỗ trợ tập huấn với đội ngũ giáo viên mầm non ngoài công lập. Đồng thời, khi chuẩn bị lực lượng giáo viên cũng phải tính đến phương diện chính sách cần có, cần điều chỉnh. Làm sao khi Chương trình ban hành bảo đảm tính khả thi, giáo viên có thể vận hành thuận lợi nhất.
Với các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm, theo Bộ trưởng, cũng cần bắt tay cùng với nhóm chuẩn bị chương trình để đổi mới, điều chỉnh các chương trình đào tạo giáo viên ngay cùng thời điểm với việc xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng nhắc lại cuộc làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới ngày 21/11 và cho biết: Nếu có một dự án/chương trình có sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về giáo dục mầm non, sẽ nghĩ ngay tới tập trung phát triển cho đội ngũ giáo viên.
Cùng với đội ngũ, cơ sở vật chất là điều kiện bảo đảm tính khả thi thứ hai của Chương trình giáo dục mầm non được Bộ trưởng lưu ý. Theo Bộ trưởng, hiện nay, thống kê của Bộ GD&ĐT, Việt Nam còn có khoảng gần 20% số trường học đang trong tình trạng tạm bợ, bán kiên cố. Trong số này, tỷ lệ các trường mầm non, tiểu học chưa được kiên cố hóa chiếm nhiều nhất. Trong 5 năm tới, khi hoàn thiện mục tiêu kiên cố hóa trường học, phải giải quyết nhiều nhất cho câu chuyện kiên cố hóa với hệ thống các trường mầm non.
“Có hay không có việc triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới, thì kiên cố hóa trường lớp học vẫn là một việc cấp bách”, Bộ trưởng nói và cho rằng: Ngoài xây trường, những khâu chuẩn bị trang thiết bị, học liệu, đồ chơi trong trường học cũng rất quan trọng. Để nhấn mạnh thêm điều này, Bộ trưởng dẫn lại ý kiến chuyên gia trong hội thảo: Không chỉ sẵn sàng cho trẻ đến trường mà trường học cũng phải sẵn sàng để đón trẻ em.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi kinh nghiệm từ chuyên gia trong nước và quốc tế. |
Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng lưu ý liên quan đến xã hội hóa giáo dục. Việt Nam đang đẩy mạnh xã hội hóa, làm tăng thêm tỷ lệ khối các trường ngoài công lập. Tính toàn bộ cơ sở giáo dục của Việt Nam từ mầm non đến đại học, hệ thống công lập chiếm tới trên 90%. Hai bộ phận cơ cấu ngoài công lập chiếm lớn hơn là hệ thống mầm non và đại học. Việc đẩy mạnh số trường thuộc hệ thống mầm non từ các nguồn đầu tư ngoài công lập, theo Bộ trưởng là vấn đề cần phải được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, với việc này, mức độ thành công ở các vùng miền là rất khác nhau. Ở thành phố, các khu vực thuận lợi, việc huy động các nguồn lực có phần thuận lợi hơn. Nhưng ở khu vực miền núi, khu vực còn khó khăn thì huy động các khối tư nhân đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những hợp phần để phát triển cơ sở vật chất trường lớp cho các khu vực này, nhưng có lẽ chỉ xử lý được một phần. “Vẫn cần rất nhiều các giải pháp khác nữa”, Bộ trưởng cho hay.
Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (Australian Aid) tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới; ông Christophe Lemiere, lãnh đạo Ban Phát triển con người - Ngân hàng thế giới.
Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo UBND và sở GD&ĐT 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành học mầm non; Ngân hàng Thế giới; các tổ chức quốc tế...