Xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non bởi tính quyết định đến tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.
Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.

Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (Australian Aid) tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục mầm non và một số mô hình triển khai tại Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh; ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới; ông Christophe Lemiere, lãnh đạo Ban Phát triển con người - Ngân hàng thế giới.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương; lãnh đạo UBND và sở GD&ĐT 30 tỉnh, thành phố trên cả nước; các trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành học mầm non; Ngân hàng Thế giới; các tổ chức quốc tế... Ngân hàng thế giới, Unicef, Save the Children, VVOB, ChildFund, Plan International, tổ chức Onesky.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việt Nam đang triển khai quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Đổi mới này được thực hiện ở tất cả các bậc học, các khâu, các yếu tố, các quá trình, nhắm tới một tính tổng thể rất cao. Trong đó có những quan điểm sâu chuỗi từ cấp học mầm non đến đại học, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là phát triển toàn diện trẻ em, phát triển con người.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý đến cấp học mầm non bởi tính quyết định đến tương lai của trẻ em cả về phương diện thể chất, tinh thần, trí tuệ.

Giáo dục mầm non Việt Nam đã đạt kết quả nhất định trong giáo dục phổ cập. Việt Nam đã có một chương trình giáo dục mầm non thống nhất cả nước, có ưu tiên phát triển khoa học giáo dục cho cấp học này và thực tế đã đạt được kết quả khả quan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo.

“Tuy nhiên, với mục tiêu xa và lớn hơn, chúng tôi thấy cần phải làm nhiều điều hơn nữa cho giáo dục mầm non.”. Bộ trưởng chia sẻ và cho biết Bộ GD&ĐT đang xúc tiến biên soạn, chuẩn bị một chương trình giáo dục mầm non mới; để trong cái đa dạng sẽ lấy chương trình làm thống nhất cho các khâu để kiểm soát về chất lượng, cũng như có sự đầu tư cho cấp học này.

Phục vụ cho việc đó, Bộ GD&ĐT đã có khá nhiều các hoạt động trao đổi, thảo luận với các chuyên gia và hội thảo hôm nay là một hoạt động trong chuỗi đó, phục vụ việc phát triển giáo dục mầm non nói chung, chuẩn bị biên soạn Chương trình giáo dục mầm non nói riêng.

Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo.

Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo.

Ông Cristian Aedo, Giám đốc Ban Giáo dục vùng Đông Á - Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới trong phát biểu khai mạc đã đề cập đến ba cơ hội phát triển quan trọng khi xây dựng được một hệ thống giáo dục mầm non chất lượng và hiệu quả.

Theo đó, Việt Nam được nhiều lần xếp hạng cao trong chỉ số vốn con người HCIndex của Ngân hàng Thế giới, ngang bằng với các quốc gia có thu nhập cao và vượt trội so với nhiều nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam có thể vượt qua chỉ số phát triển con người hiện tại bằng cách thực hiện đầu tư và cải cách mang tính chuyển đổi vào hệ thống giáo dục mầm non. Bởi đầu tư vào trẻ nhỏ là nền tảng thúc đẩy bình đẳng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai.

Ông Cristian Aedo cho rằng, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ giáo dục mầm non có chất lượng, giá cả phải chăng là một trong những khoản đầu tư quan trọng nhất mà Việt Nam có thể thực hiện để xây dựng nguồn nhân lực, thúc đẩy bình đẳng và vượt qua kỷ lục phát triển con người của chính mình ở cấp giáo dục phổ thông.

Đầu tư vào chăm sóc trẻ em có thể mang lại tác động đa thế hệ bằng cách cải thiện quyền năng kinh tế của phụ nữ, kết quả của trẻ em, phúc lợi gia đình, năng suất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Đối với trẻ em, phát triển trẻ mầm non chất lượng có thể cung cấp các đầu vào quan trọng cần thiết trong những năm đầu đời để xây dựng các kỹ năng nền tảng giúp các em thành công ở trường và trong suốt cuộc đời. Đối với phụ nữ, việc tiếp cận dịch vụ phát triển trẻ mầm non có thể giúp các bà mẹ tham gia vào thị trường lao động, tăng giờ làm, năng suất và thu nhập cũng như cải thiện chất lượng công việc.

Trong phát biểu, ông Cristian Aedo cũng khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam trong phát triển con người và mong muốn hợp tác toàn diện hơn để hỗ trợ chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT, bao gồm nâng cao chương trình giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng dạy giáo dục mầm non.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), hiện nay những quy định, quy chuẩn về giáo dục mầm non đã được thể chế hóa bằng Luật và các nghị định, các thông tư.

Các chính sách tổng thể được quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục mầm non ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; giải quyết được những khó khăn bất cập đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất đã tồn tại trong thời gian dài; đảm bảo công bằng đối với mọi trẻ em.

Đồng thời tạo lập nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách để các địa phương căn cứ xây dựng chính sách địa phương phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục mầm non, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ